Thứ sáu, 10/01/2025 07:37

Uống nhiều nước có thực sự tốt cho sức khỏe?

Chúng ta thường được khuyến khích uống nhiều nước hơn bởi lý do “uống nhiều nước tốt cho sức khỏe”. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã kiểm tra lại lời khuyến cáo này bằng cách tổng hợp và phân tích dữ liệu từ các nghiên cứu trước đó. Mục tiêu là để xem liệu việc tăng lượng nước uống hằng ngày có thực sự mang lại lợi ích sức khỏe rõ rệt hay không. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí JAMA Network Open.

Lượng nước cần thiết mỗi ngày là bao nhiêu?

Cơ thể con người có hơn 60% là nước, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiều chức năng thiết yếu. Nước giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, thải độc tố, bảo vệ não và tủy sống, tạo ra nước bọt và bôi trơn các khớp. Chính vì vậy, chúng ta được khuyến nghị uống đủ lượng nước mỗi ngày để tránh hiện tượng mất nước của cơ thể. Nhưng, ngoài việc ngăn ngừa mất nước, liệu uống thêm nước - vượt qua mức tối thiểu cần thiết - có giúp cải thiện sức khỏe toàn diện không? Để trả lời cho câu hỏi này, một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học California San Francisco (Hoa Kỳ).

Liệu uống nhiều nước thực sự có lợi cho sức khỏe?

TS Benjamin Breyer - Trưởng khoa Tiết niệu, Đại học California San Francisco, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, đối với một phương pháp đơn giản và phổ biến như vậy, các bằng chứng vẫn chưa rõ ràng và lợi ích vẫn chưa được xác định đầy đủ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này. Viện Hàn lâm Y học quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị rằng, nam giới từ 19 đến 30 tuổi nên tiêu thụ khoảng 3 lít chất lỏng mỗi ngày, trong khi phụ nữ cùng độ tuổi nên tiêu thụ khoảng 2,1 lít. Lưu ý rằng, từ “chất lỏng” bao gồm không chỉ nước uống, mà còn các đồ uống khác như trà, cà phê hoặc nước ép.

Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã hệ thống hóa dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trước đây, tập trung vào việc xem xét tác động của việc tăng lượng nước uống đến sức khỏe. Ngoài ra, có một nghiên cứu đặc biệt thử nghiệm giảm lượng nước tiêu thụ. Các yếu tố sức khỏe được xem xét bao gồm: giảm cân, đường huyết lúc đói, đau đầu, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), sỏi thận.

Kết quả chính của các nghiên cứu được tổng hợp bởi nhóm nghiên cứu như sau:

Tác động của việc uống nước lên cân nặng

3 nghiên cứu được thực hiện trên những người thừa cân và béo phì, trong đó họ được yêu cầu uống 1,5 lít nước mỗi ngày trước bữa ăn, trong thời gian từ 12 tuần đến 12 tháng. Kết quả cho thấy, họ giảm cân nhiều hơn so với nhóm đối chứng, với mức giảm cân vượt trội lần lượt là 44, 87 và 100%. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên 38 người (bao gồm cả thanh thiếu niên) cho thấy, việc uống 2 lít nước mỗi ngày trong 6 tháng không có tác động đáng kể đến cân nặng. Sự khác biệt này có thể đến từ cách các nghiên cứu được thiết kế hoặc nhóm tham gia có đặc điểm không đồng nhất.

Ảnh hưởng đến đường huyết lúc đói

Một nghiên cứu nhỏ với 40 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mới được chẩn đoán đã chỉ ra rằng, uống nước trước mỗi bữa ăn giúp giảm đáng kể mức đường huyết lúc đói (-32,6 mg/dl) so với nhóm đối chứng (-5,3 mg/dl). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, hiệu quả này có thể không chỉ đến từ việc uống nước mà còn do giảm lượng thức ăn tiêu thụ hoặc giảm cân ở nhóm điều trị. Ngược lại, một nghiên cứu khác trên 60 người trưởng thành không được điều trị tiểu đường bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống lại phát hiện mức đường huyết lúc đói tăng nhẹ (0,6 mg/dl) khi uống thêm nước. Nghiên cứu này kéo dài 12 tuần với lượng nước tiêu thụ cụ thể là 550 ml mỗi sáng và tối.

Hiệu quả trong việc giảm đau đầu

Hai nghiên cứu đánh giá tác động của việc tăng lượng nước uống thêm 1,5 lít mỗi ngày trong 3 tháng đã đưa ra kết quả không đồng nhất. Một nghiên cứu với 102 người tham gia cho thấy, uống thêm nước có thể giảm số ngày đau đầu và cải thiện điểm số về chất lượng sống liên quan đến đau đầu. Tuy nhiên, kết quả này không có ý nghĩa thống kê. Một nghiên cứu khác với cỡ mẫu nhỏ hơn (18 người) không ghi nhận bất kỳ tác động đáng kể nào đến số lần đau đầu, mức độ nghiêm trọng hay thời gian đau đầu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Một thử nghiệm trên 140 phụ nữ tiền mãn kinh (những người uống ít hơn 1,5 lít chất lỏng mỗi ngày) cho thấy, uống thêm nước giúp giảm số lần bị nhiễm trùng đường tiết niệu và giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, có một nghiên cứu khác lại không tìm thấy sự thay đổi đáng kể về số lượng vi khuẩn gây bệnh trong đường tiết niệu giữa nhóm uống thêm nước và nhóm không thay đổi thói quen uống nước.

Uống nhiều nước giúp giảm đáng kể khả năng bị sỏi thận (nguồn: internet).

Phòng ngừa sỏi thận

Uống nhiều nước từ lâu đã được khuyến khích để phòng ngừa sỏi thận. Các nhà khoa học đã phân tích 2 nghiên cứu liên quan đến việc tăng lượng nước uống: i) Một nghiên cứu cho thấy, uống 2 lít nước mỗi ngày giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận; ii) Một nghiên cứu khác trên 221 bệnh nhân đã từng bị sỏi thận ghi nhận tỷ lệ tái phát giảm hơn một nửa ở nhóm uống thêm nước.

Những phát hiện chính của nghiên cứu cho thấy: i) Giảm cân và phòng ngừa sỏi thận là hai lĩnh vực có kết quả rõ ràng nhất; ii) Tác động của việc uống thêm nước đối với đường huyết, đau đầu và nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn chưa có bằng chứng thống nhất; iii) Một số nghiên cứu nhỏ lẻ cho thấy uống nhiều nước có thể giúp kiểm soát các triệu chứng tiểu đường và giảm tần suất đau đầu, nhưng các kết quả này chưa đạt mức ý nghĩa thống kê.

Uống nước mang lại nhiều lợi ích

Nghiên cứu này cho thấy, uống nước mang lại lợi ích nhất định, đặc biệt là trong việc hỗ trợ giảm cân và phòng ngừa sỏi thận. Tuy nhiên, việc uống thêm nước không phải là một giải pháp “chung cho tất cả”. TS Benjamin Breyer nhấn mạnh, việc cơ thể mất nước là có hại, đặc biệt là với người có tiền sử sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhưng ngược lại, với những người thường xuyên đi tiểu, có thể họ sẽ cần uống ít nước hơn. Không có một chuẩn mực cố định nào về lượng nước uống phù hợp cho tất cả mọi người.

TXB (theo Đại học California San Francisco)

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)