Gìn giữ và phát triển sản phẩm truyền thống
Nghề làm nón lá tại thôn An Khoái và Văn Quán xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã có truyền thống lâu đời và được người dân gìn giữ và phát triển. Nón lá được khâu quanh năm, gần như gia đình nào cũng có người làm nón tại nhà. Mỗi ngày, mỗi người chỉ làm được một cái nón, người trẻ hơn tinh mắt làm loại nón đẹp công cao hơn, được khoảng 50.000 đồng/ngày, người nhiều tuổi hơn, mắt kém làm nón loại 2, 3 chỉ được khoảng 20.000-25.000 đồng/ngày. Hiện nón loại 1 đẹp nhất được bán với giá khoảng 100.000 đồng/cái, loại 2, 3 khoảng 50.000-70.000 đồng/cái. Rất ít khi có đơn đặt nón cưới, nón tặng loại đặc biệt giá khoảng 200.000-300.000 đồng/cái.
Theo thống kê của UBND xã Liêm Sơn, hiện nay, thôn An Khoái và Văn Quán có 830 hộ dân, có khoảng hơn 200 hộ làm nghề nón. Hiện tại, nón Liêm Sơn làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Mỗi tháng làng cung cấp ra thị trường khoảng 5.000-6.000 chiếc nón và thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Sản phẩm nón lá An Khoái - Văn Quán có chất lượng tốt, giá thành rẻ nhưng ít người biết đến vì làng nghề chưa có thương hiệu của riêng mình và chưa có hệ thống nhận diện, quảng bá sản phẩm, khách hàng biết đến nón lá của làng chủ yếu qua bạn bè, người thân giới thiệu là chính nên “độ phủ” chưa cao.
Để khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm nón lá An Khoái - Văn Quán cũng như nhằm mục đích quảng bá, nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề truyền thống và nguồn thu nhập của người lao động tại địa phương, nhất là khi huyện Thanh Liêm có các chùa nổi tiếng được đông đảo người dân các tỉnh lân cận biết đến như chùa Địa tạng phi lai tự, chùa Phật Quang mà rộng hơn trên địa bàn tỉnh Hà Nam có Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao nổi tiếng thì việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể “nón lá An Khoái - Văn Quán” cho sản phẩm nón lá của xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm là rất cần thiết. Chính vì vậy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm Hà Nam đã đề xuất thực hiện dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nón lá An Khoái - Văn Quán cho sản phẩm nón lá thôn Khoái, thôn Quán, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Hướng tới phát triển nhãn hiệu tập thể
Logo nhãn hiệu tập thể "Nón lá An Khoái - Văn Quán".
Dự án đã triển khai các hoạt động nhằm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm nón lá dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Xây dựng mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nón lá An Khoái - Văn Quán; xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý nhãn hiệu tập thể như việc xây dựng các quy trình, quy chế quản lý nhãn hiệu tập thể; quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; quy định kỹ thuật sản xuất nón lá mang nhãn hiệu tập thể...
Sau 2 năm triển khai thực hiện, sản phẩm nón lá An Khoái - Văn Quán đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 514084. Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là Hội sản xuất và kinh doanh nón lá An Khoái - Văn Quán. Nón lá An Khoái - Văn Quán là sản phẩm thứ 3 của huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể sau thêu ren Thanh Hà và bánh đa Sở Kiện.
Trong thời gian tới, nhằm duy trì và phát triển thuận lợi nhãn hiệu tập thể “Nón lá An Khoái - Văn quán” đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực của các sở/ngành, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý tại địa phương. Các đơn vị có liên quan cũng cần tiếp tục tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm nón lá. Việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm nón lá An Khoái - Văn Quán sẽ góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm nón lá An Khoái - Văn Quán trên thị trường, góp phần làm tăng giá trị kinh tế - văn hóa và uy tín của sản phẩm trên thị trường, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng dự án. Đồng thời, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương về pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản của địa phương nói riêng.
PT