Thứ sáu, 17/01/2025 09:13

Cần Thơ: Đổi mới sáng tạo hướng tới hành trình Net Zero

Tại Hội thảo triển khai Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam (Chương trình KC.16/24-30) cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Bộ KH&CN đăng cai phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 10/01/2025, TS Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ đã khẳng định, đổi mới sáng tạo sẽ là một trong những động lực chính của thành phố hướng tới hành trình Net Zero.

TS Ngô Anh Tín cho biết, ngày 02/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1519/QĐ-TTg về quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TP Cần Thơ được xác định là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, với hướng phát triển thành phố sinh thái, hiện đại, đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Tuy nhiên, Cần Thơ là một trong 5 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán… Để triển phát triển và hội nhập, thành phố đã và đang tích cực phối hợp với các tỉnh/thành trong vùng ĐBSCL triển khai nhiều chương trình/dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Cần Thơ đã xây dựng năng lực dự báo/cảnh báo và giải pháp ứng phó dựa trên KH&CN; đồng thời ban hành kế hoạch hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030 với tầm nhìn đến năm 2050, cũng như lồng ghép biến đổi khí hậu vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

TS Ngô Anh Tín cho rằng, trong bối cảnh phát triển của KH&CN và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được coi là giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của không chỉ các bộ/ngành mà cả địa phương/doanh nghiệp…

Đồng hành cùng mục tiêu Net Zero của Chính phủ, Cần Thơ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản hỗ trợ doanh nghiệp, từ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đến các kế hoạch phát triển công nghệ số trong doanh nghiệp. Với vị thế là trung tâm kinh tế, KH&CN và đổi mới sáng tạo của vùng ĐBSCL, những năm qua Cần Thơ đã tích cực triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn và hữu cơ, tập trung giảm phát thải khí mê tan trong sản xuất lúa gạo. Các sáng kiến về xây dựng chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao và ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần khẳng định vị thế không chỉ của thành phố, mà còn của vùng ĐBSCL trên bản đồ nông nghiệp xanh quốc gia và quốc tế.

Tại Cần Thơ, các doanh nghiệp đã và đang được hỗ trợ tiếp cận và hấp thụ công nghệ thông qua đổi mới chuyển giao công nghệ, tăng cường pháp lý, kết nối cung - cầu và nguồn lực tài chính. Đây là những điều kiện giúp doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn, gia tăng sức cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, hoạt động tiếp cận và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp địa phương vẫn còn hạn chế. Thống kê cho thấy, thành phố hiện có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về công nghệ, tài chính và nhân lực… nên chưa có lộ trình cụ thể để phát triển hướng tới đạt mục tiêu Net Zero.

Do đó, để thúc đẩy phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, ngành KH&CN Cần Thơ kiến nghị Bộ KH&CN cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố nói riêng, ĐBSCL nói chung; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, chính sách về thuế đất, thu nhập doanh nghiệp… để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng phát triển, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế của vùng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)