Thị trường khoa học và công nghệ chỉ thực sự sôi động khi thuận theo đúng quy luật thị trường
Các ý kiến được đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo khoa học "Thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Cơ hội và giải pháp” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức mới đây, đặc biệt trong bối cảnh cả nước quyết tâm hiện thực hóa các chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội: Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển S.T.I.D.

Các đại biểu tham dự Hội thảo (nguồn: vast.gov.vn).
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Hoàng Hà cho biết, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ là cầu nối giữa nghiên cứu và thị trường mà còn là chìa khóa thúc đẩy năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết số 57-NQ/TW cho phép viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra. Nghị quyết cũng chủ trương chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ; khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
PGS.TS Hà Phương Thư - Giám đốc Trung tâm Vật liệu y sinh tiên tiến, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, thị trường khoa học và công nghệ chỉ thực sự sôi động khi thuận theo đúng quy luật thị trường về cung và cầu. Theo đó, nhà khoa học chính là nguồn cung, doanh nghiệp, nhu cầu của người dân chính là nguồn cầu. Để mối liên kết này chặt chẽ và phát huy hiệu quả, phía nhà khoa học cần phải nắm vững công nghệ, tạo ra các sản phẩm đáp ứng được với nhu cầu của thị trường, có khả năng chủ động tìm kiếm, thu hút các nguồn đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu. Doanh nghiệp phải có khả năng nắm bắt và phát triển thị trường; thu hút các nguồn đầu tư cho quá trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.
Việc thay đổi tư duy về tiếp cận công nghệ, giá trị doanh nghiệp cho cộng đồng thông qua công nghệ là vấn đề mà ông Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Tập đoàn Dược Thái Minh nhấn mạnh nhằm thúc đẩy việc gắn kết doanh nghiệp với nhà khoa học. Để quá trình gắn kết chặt chẽ, bền vững, theo ông Nguyễn Quang Thái, vai trò đầu mối của nhà nước rất quan trọng như cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng…
Tháo gỡ điểm nghẽn về thị trường khoa học và công nghệ trên tinh thần tiệm cận thông lệ quốc tế
Dưới góc nhìn nhà quản lý, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chỉ ra sự thiếu đồng bộ giữa các luật liên quan đang gây cản trở lớn cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ chia sẻ tại Hội thảo (nguồn: vast.gov.vn).
Lấy ví dụ Điều 219 của Bộ luật Hình sự về hành vi gây thất thoát tài sản thông thường và tài sản trí tuệ hiện chưa tách bạch, trong khi hai loại tài sản này có bản chất rất khác nhau nên cần những chế tài khác nhau. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kết quả nghiên cứu thường tổ chức chủ trì có quyền tự định đoạt, Nhà nước chỉ khuyến nghị mức thỏa thuận khi chuyển giao, mà không coi là tài sản công. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành khảo sát tại nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp lớn và 20 địa phương để đề xuất điều chỉnh chính sách này cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chưa có hướng dẫn cụ thể về góp vốn, thoái vốn bằng tài sản trí tuệ, khiến việc thương mại hóa gặp khó khăn, doanh nghiệp e ngại đầu tư, còn nhà khoa học thì không thể tự mình thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các quy định về đấu thầu cũng còn nhiều thủ tục rườm rà cần được cải tiến.
Ông Phạm Đức Nghiệm cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo Nghị định cho phép thành lập công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học với thủ tục đơn giản. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đang được soạn thảo theo hướng cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15; tiệm cận thông lệ quốc tế. Theo đó, khi Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu, nhà khoa học chỉ cần báo cáo kết quả cuối cùng, không phải giải trình chi tiết các khoản chi tiêu. Trường hợp nghiên cứu không ra kết quả, sẽ được kiểm tra theo quy trình và không phải chịu trách nhiệm nếu thực hiện đúng quy định. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính rà soát cơ chế tài chính để phù hợp với đặc thù có độ trễ, rủi ro và chưa hoàn thiện của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
L.H