Thứ tư, 26/03/2025 16:35

Thời cơ để đẩy nhanh phát triển công nghệ 5G

Ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh... Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhu cầu về 5G ngày càng cao, đây đang là thời cơ để các nhà mạng đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Dự báo nhu cầu sử dụng 5G tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Đẩy mạnh thương mại hóa 5G

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia sâu rộng, toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ, dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo; nền kinh tế số rộng khắp, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thương mại hóa 5G; nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Đẩy mạnh đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được giao khẩn trương rà soát, tham mưu báo cáo Thủ tướng việc ban hành mới và tổ chức triển khai hiệu quả các chiến lược đã ban hành về nghiên cứu, ứng dụng, khai thác không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm cải thiện về năng suất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng ban hành trước đó cũng nêu rõ "hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế", một trong những thành phần của hạ tầng số là hạ tầng viễn thông và internet. Chiến lược đặt mục tiêu trong năm 2025, 100% tỉnh, thành phố, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay, có dịch vụ di động 5G.

Từ tháng 10/2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã triển khai mạng 5G ở 63 tỉnh, thành phố; sau đó tháng 12/2024, nhà mạng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nối gót triển khai. Tuy nhiên, số lượng trạm của các nhà mạng vẫn còn ở mức hạn chế nên mạng 5G chưa phủ rộng như 4G. Đến hết tháng 01/2025, Viettel cho biết đã có 5,5 triệu người dùng 5G.

Thông tin về kế hoạch sắp tới, ông Nguyễn Trọng Tính - Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, sẽ mở rộng vùng phủ tới trung tâm huyện, những nơi tập trung đông dân cư trong năm 2025. Sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt thêm một số tính năng, sản phẩm trong hệ sinh thái 5G như AR/VR, MeCall, SmartCall, YouTube Premium... Việc mở rộng vùng phủ sóng sẽ mang đến nhiều dịch vụ mới kết nối trên nền tảng 5G, thúc đẩy cuộc sống số hiện đại và tiện ích hơn.

Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, năm nay VNPT dự kiến sẽ tăng vùng phủ sóng lên gấp 3 lần nhằm thực hiện lộ trình tiến tới phủ sóng 99% dân số theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/2025/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Đây là một trong những nội dung trọng yếu của chiến lược phát triển VNPT đến 2035, theo đó chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ giải pháp số, đồng bộ với chiến lược phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ như VNPT Cloud, VNPT AI, SmartCity

Ngày 19/02/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G phải đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2025. Tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông theo quy định này không vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá của các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện trong năm 2024. Mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ.

Triển khai các trạm BTS 5G

Thông tin về kế hoạch triển khai để phủ sóng mạng 5G toàn quốc tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 mới đây, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu đạt 20.000 trạm BTS 5G ngay trong năm 2025. Điều này có nghĩa tốc độ chuyển tải dữ liệu 5G hiện nay sẽ tăng hơn 2,5 lần.

Sau khi Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Viettel đã rất quyết liệt tiến hành các thủ tục nhanh gọn, báo cáo Bộ Quốc phòng và thực hiện các thủ tục đấu thầu, dự kiến nhanh nhất trong tháng 08/2025 các thiết bị sẽ về. Với số lượng lớn thiết bị, Viettel sẽ dồn tất cả nguồn lực để đưa các trạm vào phát sóng chậm nhất là tháng 12/2025. 

Không chỉ Viettel, VNPT cũng đặt mục tiêu mở rộng vùng phủ sóng 5G gấp ba lần trong năm 2025, hướng tới phục vụ 99% dân số. Tập đoàn này đang tập trung vào việc nâng cấp hạ tầng viễn thông, tối ưu hóa băng tần để đảm bảo chất lượng kết nối ổn định ngay cả tại các khu vực có mật độ sử dụng cao. VNPT cũng đang hợp tác với các đối tác công nghệ để phát triển các ứng dụng khai thác tối đa tiềm năng của 5G trong kinh tế số, chính phủ điện tử và các dịch vụ đô thị thông minh.

Trong khi đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng không đứng ngoài cuộc đua khi đặt mục tiêu triển khai thêm 10.000 trạm phát sóng mới, mở rộng vùng phủ sóng 5G tới 100% các xã trên cả nước. Đến nay, MobiFone đã chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G. Nhà mạng này cho biết, bên cạnh việc đầu tư vào hạ tầng viễn thông, MobiFone còn tập trung vào việc phát triển các giải pháp dịch vụ trên nền tảng 5G, bao gồm truyền thông thực tế ảo (VR), Internet vạn vật (IoT) và các nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), giúp doanh nghiệp và người dân khai thác tối đa lợi ích của công nghệ này.

Với những chủ trương khuyến khích và việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng 5G là chính sách mang tính đột phá, giúp đẩy nhanh quá trình phủ sóng 5G trên toàn quốc. Cùng với nhu cầu cao của thị trường, đây sẽ là cơ hội lớn cho các nhà mạng “mạnh dạn” phát triển 5G, đồng thời là động lực quan trọng để Việt Nam tiến nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số.

PT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)