
Các chuyên gia thảo luận những thách thức pháp lý, tài chính và công nghệ trong việc quản lý và vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa (nguồn: vietnamplus.vn).
Việc cần thiết khi xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số
Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, thị trường tài sản mã hóa hiện có quy mô giao dịch lên đến 200 tỷ USD mỗi ngày, với 617 triệu người dùng, chiếm khoảng 8% dân số toàn cầu. Trong đó, Việt Nam có khoảng 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, đứng thứ 7 thế giới.
Đáng chú ý, Việt Nam liên tục nằm trong top 5 Chỉ số chấp nhận tài sản số toàn cầu của Chainalysis trong 4 năm qua, trong đó có 2 năm giữ vị trí dẫn đầu. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có khoảng 20 sàn giao dịch tập trung đang hoạt động, với hơn 1.000 cộng đồng marketing liên quan. Theo báo cáo của Binance vào tháng 05/2023, khối lượng giao dịch từ Việt Nam chiếm khoảng 5% tổng giao dịch toàn cầu, các chuyên gia nhận định con số thực tế có thể còn cao hơn.
Trong bối cảnh thiếu khung pháp lý rõ ràng, sự tăng trưởng bùng nổ nêu trên đang đặt ra nhiều thách thức với nhà đầu tư và hệ thống tài chính quốc gia. Nhà đầu tư có thể đối mặt với nguy cơ mất tài sản mà không có cơ chế bảo vệ, Nhà nước thất thu nguồn thuế lớn từ dòng tiền giao dịch tài sản số mỗi năm. Đó là chưa kể các sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam vẫn nằm trong "vùng xám" pháp lý khi chưa có quy định cụ thể về việc cấm hay cho phép hoạt động. Không có pháp nhân hay trụ sở chính thức tại Việt Nam, các sàn này hoạt động xuyên biên giới, khả năng chưa tuân thủ các quy định về chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CTF), đồng thời hạn chế hợp tác với cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến gia tăng các vụ lừa đảo liên quan đến tài sản mã hóa.
Trong năm 2024, mặc dù nhiều đơn tố cáo lừa đảo đã được gửi đến cơ quan chức năng, nhưng quá trình điều tra gặp khó khăn do các sàn giao dịch từ chối hợp tác, thậm chí ngay cả cơ quan chức năng cũng bị từ chối cung cấp dữ liệu. Điều này cho thấy những lỗ hổng lớn trong hệ thống giám sát và quản lý thị trường tài sản số tại Việt Nam.
Để giải quyết thực trạng này, cơ quan quản lý đang hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ hơn các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung, tập trung vào việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng, kiểm soát thuế, dòng tiền và tăng cường quản trị rủi ro.
Chia sẻ tại Hội thảo, thượng tá Dương Đức Hùng - Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an cho biết, dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu và đang gia tăng. Đại diện Bộ Công an đề xuất, để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hóa, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện cần sự phối hợp liên ngành, ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép.
Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Đồng thời, công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn truy cập vào những nền tảng này.
Theo TS Hoàng Văn Thức - Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, việc cần thiết phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã cho tài sản mã hóa, stablecoin, sàn giao dịch tài sản mã hoá. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chí an toàn, an ninh thông tin cho dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá; quy định về kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh, an toàn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá.
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để bứt phá

Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo (nguồn: vietnamplus.vn).
Đánh giá chung về bức tranh pháp lý thị trường tài sản số hiện nay, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cùng lúc với việc thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến thông qua trong tháng 05/2025, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.
Việc luật hoá tài chính phi tập trung giúp đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hoá, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu nguồn lực từ thị trường mã hoá đang phát triển sôi động và thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền của Chính phủ.
Hiện, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á đã xây dựng thành công khung pháp lý chặt chẽ để quản lý tài sản mã hóa ví như Singapore, Thái Lan. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech của Hiệp hội Blockchain Việt Nam Trần Huyền Dinh, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của những nước này.
Tại Thái Lan, các sàn giao dịch tài sản mã hóa do Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính quản lý. Chính sách quản lý ban đầu khá chặt chẽ, thử nghiệm 9 sàn nội địa với giá trị giao dịch thấp. Nhà đầu tư được miễn thuế giao dịch và thuế giá trị gia tăng nhưng phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Hệ thống giao dịch và lưu ký phải đặt tại Thái Lan.
Tại Singapore, tài sản mã hóa được quản lý theo Đạo luật dịch vụ thanh toán 2019. Các sàn giao dịch cần có giám đốc điều hành là công dân hoặc thường trú nhân Singapore, xin giấy phép từ Cơ quan Tiền tệ Singapore và yêu cầu tách bạch tài sản và tuân thủ quy tắc an ninh mạng, nhưng hệ thống giao dịch không nhất thiết phải ở Singapore.
Theo TS Wayne Huang - đồng Sáng lập, CEO XREX, đơn vị tư vấn dịch vụ theo dõi phòng chống rửa tiền cho Chính phủ Singapore, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá trên thị trường tài chính phi tập trung nhờ mức độ chấp nhận và sự phổ biến của tài sản mã hoá trong cộng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc sự cân bằng, tránh quy định quá chặt chẽ sẽ khiến các doanh nghiệp khó hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và các quy định pháp lý khác.
PT