11 nhóm nhiệm vụ được Chính phủ giao
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu nhiều ý kiến thuộc 11 nhóm nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ thực hiện. Theo đại diện Cục Chuyển đổi số, Chương trình hành động của Bộ thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 đang được soạn thảo, dự kiến tháng 5/2025 trình Chính phủ ban hành. Chương trình hành động này được triển khai nhằm mục tiêu mỗi người dân có một trợ lý ảo, dự kiến tháng 11/2025 có thể vận hành. Bên cạnh đó, việc xây dựng hạ tầng tính toán AI dùng chung có hiệu năng cao, xây dựng hạ tầng dữ liệu đi kèm đang được triển khai.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Về hạ tầng số, mục tiêu được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra trong năm 2025 là tăng gấp đôi tốc độ truy cập Internet so với hiện nay, bằng việc mở rộng độ phủ sóng 5G và triển khai mới dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, phát triển thông qua việc xác lập thêm 4 cơ sở dữ liệu quốc gia, nâng tổng số lên 10 cơ sở.
Ở lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, Bộ đã ban hành “Khung tiêu chí thí điểm và quy trình xác định nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm 2025” nhằm tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Đại diện Vụ Kinh tế và Xã hội số cho biết, trong tháng 4/2025 sẽ hoàn thiện dự thảo Đề án chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, phấn đấu đến tháng 6/2025 có thể ban hành.
Về lĩnh vực công nghệ số, Bộ tập trung hoàn thành danh mục công nghệ chiến lược; chương trình phát triển công nghệ chiến lược; công nghiệp chiến lược. Cùng với đó là ban hành Đề án Quốc gia khởi nghiệp với tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn dân; sử dụng hiệu quả Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; xây dựng và triển khai Quỹ Đầu tư mạo hiểm…
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ đang tích cực xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ dùng chung; tái cấu trúc các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; ban hành Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Về sở hữu trí tuệ, Bộ quyết tâm giải quyết các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tồn đọng từ 2024 về trước, hoàn thành trước tháng 10/2025; Chuyển từ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sang tài sản hóa, thương mại hóa, thị trường hóa các kết quả nghiên cứu.
5 xu hướng lớn đang tác động mạnh mẽ đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Nhấn mạnh sự mạnh mẽ, quyết liệt và đột phá, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phải nhận thức sâu sắc vai trò là đơn vị chủ lực, nòng cốt thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW, từ đó vượt qua được những giới hạn hiện nay của pháp luật, tư duy, tầm nhìn, hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc.
Bên cạnh những kết quả đáng đáng ghi nhận, Phó Thủ tướng cũng lưu ý những hạn chế lớn cần phải giải quyết trong thời gian tới, gồm: khoảng cách lớn về trình độ phát triển khoa học và công nghệ với các nước phát triển; nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự đầy đủ; còn tồn tại một số "điểm nghẽn" kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chưa đạt những bước đột phá chiến lược; khả năng ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế; Nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ còn thiếu hụt; nguồn lực đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, hệ thống phòng thí nghiệm, hạ tầng số chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
Nhận định tình hình khu vực và thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phân tích 5 xu hướng lớn đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể: (i) Dòng vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày càng tăng, bao gồm vốn đầu tư công và đầu tư từ khu vực tư nhân; (ii) AI phát triển ngày càng nhanh, tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế; (iii) Hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển dựa trên nền tảng của các hệ sinh thái, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và các viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn lớn, start up... đồng thời chịu tác động ngày càng lớn từ các yếu tố địa chính trị; (iv) Cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn lực cho phát triển lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gồm: nguồn nhân lực chất lượng cao, dữ liệu và năng lực tính toán...; (v) Chính phủ các nước đang nhanh chóng điều chỉnh chính sách và thúc đẩy hợp tác công - tư với tham vọng dẫn dắt lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt là trong các ngành chiến lược như bán dẫn, AI...
Tám định hướng và nhiệm vụ trọng tâm
Trên cơ sở kết quả đạt được, cùng với những phân tích, dự báo tình hình, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số định hướng và nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, sớm kiện toàn bộ máy tổ chức. Bộ phải coi đây là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành, lĩnh vực; sàng lọc bộ máy và sắp xếp lại nhân lực cho phù hợp.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 57/NQ-TW, Nghị quyết số 193/2025/QH152, Nghị quyết số 03/NQ-CP3. Đây là kim chỉ nam để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, các dự án cụ thể, với lộ trình khả thi và trách nhiệm rõ ràng.
Bộ phải nâng cao nhận thức, tạo xung lực mới trong toàn xã hội về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học làm nhân tố then chốt, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, và thúc đẩy.
Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; quyết tâm loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm" và đề cao tính linh hoạt của thể chế, đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thiện thể chế cũng như phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, nghiên cứu hình thành các sàn giao dịch dữ liệu, trong đó cần đảm bảo vai trò dẫn dắt của Nhà nước, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quản lý và sử dụng dữ liệu. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước. Hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược. Trong đó, sớm thúc đẩy hoàn thành 2 tuyến cáp quang biển và triển khai mạng 5G toàn quốc, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, phát triển các công nghệ mũi nhọn, chiến lược. Hạ tầng số phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
Thứ năm, tập trung nghiên cứu khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho các ngành công nghệ chiến lược. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết "ba nhà" (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp), lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo hiệu quả nghiên cứu. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, đột phá để thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Có cơ chế tài trợ đặc biệt cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, ghi nhận, tôn vinh các nhà khoa học có nhiều đóng góp, truyền thông mạnh mẽ để tạo hiệu ứng lan tỏa của xã hội.
Thứ sáu, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong doanh nghiệp gắn với nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Quan tâm, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nghiên cứu xây dựng các quỹ: đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, đầu tư mạo hiểm…
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác tối đa nguồn lực từ các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn công nghệ lớn để nâng cao năng lực nội tại của Việt Nam.
Thứ tám, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên nền tảng số, xây dựng các cơ sở quốc gia đồng bộ, bảo đảm an ninh mạng và an toàn dữ liệu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ sẵn sàng nhận các nhiệm vụ có sự thách thức cao, mục tiêu cao và hướng vào kết quả cuối cùng. Nếu đất nước tăng trưởng 10% thì ngành khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm thúc đẩy ít nhất 5% tăng trưởng, tức là chiếm hơn 50% mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu này, rất nhiều nhiệm vụ cần triển khai với tốc độ nhanh, đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ làm việc với tinh thấn nỗ lực và đổi mới “chưa từng có” từ trước tới nay.
Lê Hạnh
1Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
2 Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
3 Nghị quyết 03/NQ-CP năm 2025 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.