S.T.I.D. là yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế hiện đại

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng quan trọng, góp phần thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ trong sản xuất và quản lý. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, chủ trương nhằm xây dựng nền tảng số, từ đó tạo điều kiện cho sự chuyển đổi toàn diện. Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định S.T.I.D quốc gia là các yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế hiện đại, hoàn thiện quản lý quốc gia và đưa đất nước đi lên trong kỷ nguyên số.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, S.T.I.D đã len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa và giáo dục. Trước bối cảnh đó, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần phải tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào các hoạt động điều hành, giảng dạy và nghiên cứu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/ĐU vào ngày 11/07/2024 đặt ra định hướng phát triển công nghệ số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, từ ngày 01/04/2025, mô hình quản trị thông minh tại Học viện đã chính thức đi vào vận hành.
Đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số”
Về phong trào “Bình dân học vụ số”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đây là một sáng kiến của Chính phủ nhằm phổ cập tri thức về chuyển đổi số đến toàn dân, nâng cao kỹ năng số và xóa mù công nghệ. Với mục tiêu này, các cán bộ, viên chức và người lao động trong hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cần tích cực tham gia, nắm vững các kiến thức về công nghệ để áp dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy và nghiên cứu. Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và đào tạo đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại số.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng và các đại biểu khánh thành mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ sự kiện, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng và các đại biểu đã thực hiện nghi thức khánh thành mô hình quản trị thông minh của Học viện. Đây là một bước tiến lớn trong quá trình hiện đại hóa hệ thống quản lý, tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ số sâu rộng hơn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được
Tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trình bày báo cáo tổng kết quá trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và phương hướng cho giai đoạn 2025-2030. Ông khẳng định, trong 5 năm qua, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có những bước đi quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý và giảng dạy. Hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị được đầu tư và đồng bộ hóa từ Trung ương đến các đơn vị trực thuộc. Quá trình đầu tư, triển khai các dự án công nghệ được thực hiện một cách nghiêm túc, bám sát nhu cầu thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn hệ thống.
Trong giai đoạn này, Học viện đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, khắc phục tình trạng thiếu hụt về tài nguyên và nâng cấp hệ thống kỹ thuật. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống cầu truyền hình trực tuyến và xây dựng mô hình quản trị thông minh đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý và giảng dạy. Đây là dự án công nghệ đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế, sử dụng các sản phẩm và thiết bị tiên tiến từ các nước phát triển. Các phần mềm quản lý đào tạo, thư viện điện tử và hệ thống rà soát chống sao chép đã được triển khai rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong toàn hệ thống.
Tại phần thảo luận, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã tập trung trao đổi về những kết quả đạt được, những khó khăn trong quá trình triển khai chuyển đổi số và các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, đào tạo và nghiên cứu. Hội nghị cũng đề ra những định hướng quan trọng cho giai đoạn 2025-2030, trong đó tập trung vào việc đầu tư nguồn lực, phát triển nhân lực công nghệ, mở rộng cơ sở hạ tầng số và hoàn thiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi số. Hội nghị đã khẳng định tầm quan trọng của S.T.I.D trong sự phát triển của Học viện và các trường chính trị trực thuộc, xác định đây là một trong những động lực chính để hiện đại hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Với quyết tâm cao và sự đồng thuận của toàn hệ thống, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần đưa đất nước tiến xa hơn trong kỷ nguyên số hóa.
Xuân Bình