Diễn đàn học thuật có ý nghĩa
Sự kiện được tổ chức nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự hợp tác mạnh mẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong bối cảnh năm nay là "Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc".
Tọa đàm “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật và chính sách, kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp để tìm hiểu, thảo luận về các mô hình kinh tế mới, cải cách cơ cấu và chiến lược tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhằm đưa Việt Nam tiến tới sự thịnh vượng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên mới.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chia sẻ, với sứ mệnh là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam, ĐHQGHN không ngừng nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các tư vấn chính sách hiệu quả. ĐHQGHN đã ký kết và triển khai hợp tác với hàng chục cơ sở giáo dục hàng đầu Trung Quốc như: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nam Kinh, Đại học Hạ Môn, Đại học Ma Cao… Sự hợp tác này không chỉ giúp thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo mà còn góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ giữa hai nước trong kỷ nguyên trí tuệ số.
Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn và trật tự thương mại quốc tế có nhiều biến động, việc hợp tác quốc tế và phát triển bền vững đóng vai trò càng quan trọng. Những biến động này đòi hỏi phải có những chiến lược linh hoạt và sáng tạo để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội. Phó Giám đốc ĐHQGHN tin rằng, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, Tọa đàm sẽ mang lại những góc nhìn mới mẻ và những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Làm thế nào để thoát bẫy thu nhập trung bình?
Tại Tọa đàm, GS Lâm Nghị Phu đã có bài tham luận “Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới: Góc nhìn từ kinh tế học cấu trúc mới”. Dưới góc độ nghiên cứu về kinh tế học cấu trúc mới, cùng những kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm làm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, GS Lâm Nghị Phu luôn tin rằng cuộc truy cầu sự thịnh vượng dẫu gian nan song cơ hội luôn chia đều cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.

GS Lâm Nghị Phu chia sẻ tại Tọa đàm.
Bản chất của tăng trưởng thu nhập hiện đại là một quá trình chuyển đổi cơ cấu liên tục trong công nghệ và ngành nghề, nhằm nâng cao năng suất lao động, cùng với sự cải thiện về hạ tầng mềm và cứng trong nền kinh tế, nhằm giảm chi phí giao dịch. Các quốc gia đang phát triển có lợi thế đi sau trong đổi mới công nghệ, nâng cấp ngành công nghiệp và cải cách thể chế, nhờ đó có tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đang phát triển vẫn bị mắc kẹt trong trạng thái thu nhập thấp hoặc trung bình. Ông cho biết, bẫy thu nhập thấp và bẫy thu nhập trung bình đều là hệ quả của việc không thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu một cách năng động, khiến các nước đang phát triển không thể tăng trưởng nhanh hơn các nước thu nhập cao.
Làm sao để thoát bẫy và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng? Lời giải chính là các nhà hoạch định chính sách phải hiểu tường tận về các yếu tố phát triển của quốc gia cũng như xác định được các lợi thế so sánh tiềm ẩn. Điều đó cũng có nghĩa là hiểu được cấu trúc tài nguyên của một quốc gia và sự thay đổi của nó theo thời gian và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới phù hợp với lợi thế so sánh tiềm ẩn chính là bí quyết cho sự thịnh vượng. GS Lâm Nghị Phu đã nêu dẫn chứng về lịch sử phát triển lý luận và thực tiễn tăng trưởng kinh tế của thế giới, khái quát những tuyến lớn của mô hình tăng trưởng - mối quan hệ cơ chế mang tính quyết định “nhà nước - thị trường”, hoặc cấu trúc tăng trưởng dựa vào “thay thế nhập khẩu” hay “định hướng xuất khẩu”, trong các kiến giải của các trường phái “cổ điển”, “Keynes”, “Tân cổ điển” hay “Cấu trúc cũ” - “Cấu trúc mới”... căn cứ vào thực tiễn các nước đang phát triển để đưa ra những nhận định và gợi ý ở tầm tương xứng.
GS Lâm Nghị Phu đã nêu lên vai trò của cơ sở hạ tầng phù hợp và sự tham gia của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh tế. Ông cho rằng, các quốc gia nên tuân theo lợi thế so sánh của mình để cạnh tranh toàn cầu và nâng cấp công nghiệp. Ông cũng đề xuất một quy trình chuyển đổi kinh tế qua 6 bước để thúc đẩy ngành công nghiệp mới và tăng trưởng bền vững, đó là: 1) Xác định ngành có tiềm năng tăng trưởng thông qua so sánh quốc tế; 2) Đánh giá khả năng hiện thực hóa ngành, loại bỏ rào cản cho doanh nghiệp nội địa; 3) Tìm kiếm đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) hoặc tổ chức các chương trình ươm tạo doanh nghiệp mới; 4) Chính phủ quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô và thực hiện các sáng kiến; 5) Sử dụng các khu kinh tế đặc biệt hoặc khu công nghiệp tại các quốc gia có hạ tầng yếu kém và môi trường kinh doanh không thuận lợi; 6) Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp tiên phong qua ưu đãi thuế, cấp vốn vay, quyền tiếp cận nguồn ngoại tệ.
Theo GS Lâm Nghị Phu, một nhà nước kiến tạo với vai trò điều phối chiến lược, sử dụng chính sách công nghiệp một cách linh hoạt và có mục tiêu rõ ràng là chìa khóa để Việt Nam và các quốc gia thu nhập trung bình thoát khỏi trì trệ và vươn lên nhóm nước thu nhập cao. Nếu Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ đúng cách trong một thị trường hiệu quả, giúp chuyển hóa lợi thế so sánh tiềm ẩn thành thực tế, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng năng động, thậm chí nhanh hơn các nước phát triển.
Về vai trò của trường đại học trong phát triển kinh tế, GS Lâm Nghị Phu chia sẻ, cần tăng cường hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thường tập trung vào lĩnh vực đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Qua hợp tác, cơ sở giáo dục sẽ điều chỉnh các chương trình học, các môn học cho sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Đồng thời, ông cũng kiến nghị các giảng viên, người học tại các trường đại học cần chủ động triển khai các nghiên cứu về nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp để đưa ra những đề xuất thay đổi chương trình học một cách hợp lý.
VVH