Thứ năm, 17/04/2025 10:15

Đại học Quốc gia Hà Nội: Tiên phong triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương do đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban dẫn đầu vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhằm đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia.

Cơ hội để phát huy vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, việc thực hiện hai nghị quyết có ý nghĩa chiến lược đối với mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức, hội nhập toàn cầu. Việc quán triệt, cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các nghị quyết này không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là cơ hội để ĐHQGHN phát huy vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Trong việc triển khai các nghị quyết của Trung ương, ĐHQGHN có nhiều bước đi cụ thể và gắn với thực tiễn phong phú. Giám đốc Lê Quân đề nghị cho phép ĐHQGHN tự chủ về nhân lực, trong đó có tuyển dụng, bổ nhiệm; tự quyết định học phí và thí điểm cho ĐHQGHN sử dụng tài sản công trong hợp tác để khai thác đa dạng nguồn lực phục vụ cho phát triển đại học. ĐHQGHN hiện đang quan tâm nguồn học trò giỏi để đào tạo, bồi dưỡng, học trò khó khăn để hỗ trợ cùng với thu hút, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành.

Quy mô đào tạo hiện tại của ĐHQGHN đạt hơn 63.000 sinh viên, với nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao và tài năng được điều chỉnh theo định hướng mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo chiến lược của Trung ương trong các lĩnh vực mũi nhọn như: thiết kế vi mạch, bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo. Cơ cấu đào tạo chuyển biến theo hướng ưu tiên ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghiệp sáng tạo với chính sách học bổng riêng cho 18 ngành thuộc khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Chất lượng đào tạo được giữ vững xuyên suốt, trong đó định hướng duy trì và phát triển nền tảng khoa học cơ bản, các chương trình đào tạo tài năng, chương trình chất lượng cao theo chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu xã hội được triển khai hiệu quả. Sinh viên tốt nghiệp từ 41 chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao đã khẳng định được năng lực chuyên môn và năng lực hội nhập vượt trội, được các doanh nghiệp và nhiều trường đại học lớn trên thế giới công nhận.

Nhiều chính sách phát triển đội ngũ trí thức, thu hút nhân tài và nhà khoa học trẻ

Theo số liệu của Báo cáo tại buổi làm việc, ĐHQGHN có trên 5.200 cán bộ, trong đó có gần 2.900 cán bộ khoa học, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ đạt hơn 67%, ĐHQGHN duy trì tỷ lệ giảng viên có học hàm GS, PGS ở mức trên 20% - cao nhất cả nước. Mỗi năm, ĐHQGHN thu hút hơn 100 nhà khoa học, trí thức là chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, nhà khoa học quốc tế, nhà khoa học trẻ tài năng trong nước đến làm việc.

Xác định nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững, ĐHQGHN đã chú trọng xây dựng và triển khai hệ thống chính sách toàn diện, từ chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao đến học bổng sau đại học và các chương trình ươm tạo nhà khoa học trẻ. Các chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập, nghiên cứu mà còn mở rộng cơ hội phát triển chuyên môn, hội nhập quốc tế cho đội ngũ trí thức tương lai. Cụ thể, các nhóm nghiên cứu mạnh được hỗ trợ lên tới 1 tỷ đồng/năm, phòng thí nghiệm trọng điểm được đầu tư đến 7 tỷ đồng trong 3 năm. ĐHQGHN cũng đẩy mạnh việc hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ (spin-off), thúc đẩy công bố quốc tế, đăng ký sáng chế, mở rộng hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước.

Đặc biệt, nhằm ghi nhận và khuyến khích các công bố khoa học chất lượng cao, ĐHQGHN triển khai chính sách hỗ trợ tài chính vượt trội đối với các nhà khoa học có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Mức hỗ trợ lên tới 100 triệu đồng/bài cho các tạp chí thuộc top 5% ngành/lĩnh vực theo phân loại của Scimago, 70 triệu đồng cho bài thuộc nhóm Q1 và 50 triệu đồng cho nhóm Q2.

Các nhà khoa học trẻ thuộc các ngành khoa học cơ bản có thời gian công tác dưới 5 năm còn được hỗ trợ thông qua chính sách đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu để đảm bảo mức thu nhập tối thiểu 15 triệu đồng/tháng. ĐHQGHN cũng hỗ trợ tối đa chi phí công bố, tổ chức hội thảo; ưu tiên đăng ký và duy trì quyền sở hữu trí tuệ trong 3 năm đầu tiên đối với các sáng chế, giải pháp hữu ích có khả năng chuyển giao…

Đột phá chuyển đổi số đại học và thúc đẩy hợp tác

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ĐHQGHN đã triển khai quyết liệt và toàn diện chương trình hành động với 4 trụ cột chiến lược, trong đó chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng trọng yếu để đổi mới mô hình đại học và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại số.

Khung kiến trúc đại học số được hoàn thiện và vận hành hiệu quả. Hệ thống VNU-LMS phục vụ hơn 74.000 lượt người học với trên 4.200 lớp học phần mỗi năm. Hơn 180.000 tài liệu học thuật đã được số hóa, kết nối với các cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế. ĐHQGHN cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế bài giảng, học tập kết hợp và quản trị học thuật, đồng thời phát triển hạ tầng cho khu đô thị đại học thông minh.

ĐHQGHN đặc biệt chú trọng mở rộng hợp tác với địa phương và đối tác quốc tế, qua đó nâng cao uy tín học thuật, tăng cường hiện diện và ảnh hưởng chính sách trong nước và khu vực.

Tháng 03/2025, ĐHQGHN đã ký kết Kế hoạch hợp tác triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW với UBND tỉnh Thái Bình tập trung vào 5 lĩnh vực: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi số; phát triển kinh tế biển và đô thị thông minh; tư vấn chính sách; phát triển hạ tầng số. Đồng thời, ĐHQGHN cũng đang triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh trong quý II/2025.

Với các bộ, ngành, ĐHQGHN duy trì hợp tác hiệu quả với nhiều bộ, ngành, tổ chức Trung ương như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội đồng Lý luận Trung ương… cũng như các tập đoàn lớn như: Công ty Cổ phần tập đoàn T&T (T&T Group), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex)... Các sáng kiến như: Ngày hội xúc tiến đầu tư, Kênh hợp tác và phát triển doanh nghiệp, Câu lạc bộ Cựu sinh viên doanh nhân… tạo cầu nối thực chất giữa đại học - doanh nghiệp - thị trường.

Trong quan hệ quốc tế, ĐHQGHN thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều đại học hàng đầu thế giới như Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Nanyang (Singapore), Tokyo (Nhật Bản), Paris - Saclay (Pháp)... Là điểm đến của nguyên thủ và lãnh đạo quốc tế, ĐHQGHN được chọn làm đại diện triển khai nhiều chương trình nghị sự cấp cao, đồng thời là trung tâm điều phối hợp tác giáo dục - khoa học quốc tế trọng yếu của quốc gia.

Vị thế học thuật của ĐHQGHN không ngừng nâng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế. Trong Bảng xếp hạng QS World University Rankings 2025, ĐHQGHN đứng 851-900 thế giới, tăng hơn 100 bậc, với chỉ số Kết quả tuyển dụng đạt 202 thế giới, Uy tín tuyển dụng 472 thế giới. Trên bảng QS Sustainability Rankings 2025, ĐHQGHN vươn lên hạng 325 thế giới, số 1 Việt Nam và 51 châu Á. Theo Bảng xếp hạng Webometrics 2025, ĐHQGHN tiếp tục dẫn đầu Việt Nam và tăng thứ hạng tiêu chí "độ mở học thuật". Ở Bảng QS by Subject 2025, ĐHQGHN có 12 ngành/lĩnh vực được xếp hạng, trong đó 10 ngành thuộc top 500, thể hiện bước tiến mạnh mẽ, đồng đều ở nhiều lĩnh vực trọng điểm.

Mô hình tiên phong thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong đổi mới giáo dục đại học

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ĐHQGHN đã đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 45-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW. Phó Trưởng ban Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, ĐHQGHN là một trong những mô hình tiên phong thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong đổi mới giáo dục đại học, thúc đẩy tự chủ, phát triển nguồn lực chất lượng cao và kết nối hiệu quả với doanh nghiệp, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và phối hợp với ĐHQGHN trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 45-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW, đặc biệt là việc xây dựng các chỉ số đo lường (KPI), phát triển mô hình đại học nghiên cứu, thúc đẩy khoa học xã hội và nhân văn theo hướng đặc thù, đồng thời chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm hay đến các cơ sở giáo dục khác trên cả nước. Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sẽ tổng hợp đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của ĐHQGHN, báo cáo với Trung ương để làm căn cứ xây dựng chính sách, đồng thời thúc đẩy sự tham gia hiệu quả hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương trong triển khai các chủ trương lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)