Thứ hai, 21/04/2025 14:49

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phát triển giao thông xanh

Đây là giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo "Phát triển giao thông xanh" tổ chức ngày 19/04/2025 tại Hà Nội. Hội thảo do Khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Giao thông Vận tải), Hội Tự động hóa Việt Nam và Chi hội Tự động hóa giao thông vận tải & Logistics tổ chức với sự đồng hành của Tạp chí Tự động hóa Ngày nay, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.

Từ chiến lược tăng trưởng xanh

GS.TS Lê Hùng Lân - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, giao thông xanh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước. Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa và cơ giới hóa nhanh chóng, dẫn đến tăng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính. Ngành giao thông vận tải chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng lượng phát thải CO2 của cả nước và tiêu thụ một lượng lớn nguồn năng lượng. Phát triển bền vững với 3 mục tiêu (phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường) là định hướng chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

GS.TS Lê Hùng Lân - Trường Đại học Giao thông Vận tải phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, giao thông vận tải là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nhưng cũng đang là nguyên nhân lớn trong phát thải, gây ô nhiễm môi trường, chiếm khoảng 20% tổng phát thải quốc gia. Phát triển hệ thống giao thông bền vững là yêu cầu cấp thiết, tiến tới tăng trưởng xanh và nâng cao sức khỏe đời sống nhân dân.

Ngày 22/07/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 6004/QĐ-UBND ngày 18/11/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố, trong đó đặt ra mục tiêu: Năm 2025 chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 5% và dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100%. Đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hình thành các trung tâm điều hành giao thông thông minh, tăng cường chuyển đổi xanh phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định cần thảo luận, tháo gỡ, từ chính sách đến kinh nghiệm triển khai.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

GS.TS Lê Hùng Lân cho biết, kinh tế xanh - nền kinh tế mang lại cải thiện phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro môi trường và tình trạng khan hiếm sinh thái. Việc phát triển giao thông xanh sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính; giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tiêu thụ không gian; giảm nghèo và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Để phát triển giao thông xanh, việc ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm.

Ứng dụng AI và khai phá dữ liệu thúc đẩy phát triển giao thông xanh, đô thị thông minh phát triển bền vững đã được nhiều quốc gia ứng dụng - bà Phan Thị Thanh Ngọc - Phó Giám đốc Khối tư vấn ứng dụng VNPT AI cho biết. Điển hình như Singapore trở thành quốc gia đầu tiên số hóa hoàn toàn ngành cung cấp nhiên liệu hàng hải, sử dụng AI để phân tích dữ liệu từ chứng từ giao nhận nhiên liệu điện tử (e-BDNs), giúp phát hiện gian lận và tự động giám sát lượng nhiên liệu cung cấp. Hồng Kông (Trung Quốc) đã lắp đặt hàng nghìn camera giám sát tích hợp công nghệ AI nhận diện khuôn mặt và biển số xe giúp phát hiện tội phạm và tìm kiếm trẻ em thất lạc. Thành phố Seoul của Hàn Quốc đã triển khai xe buýt tự lái vào ban đêm, sử dụng AI và cảm biến để tự động vận hành mà không cần tài xế. Hệ thống này giúp tối ưu hóa tuyến đường, tránh tai nạn và cung cấp phương tiện giao thông an toàn cho người dân vào khung giờ khuya. Đồng thời, Seoul mở rộng chatbot AI để tiếp nhận và xử lý các yêu cầu từ người dân như tra cứu thông tin, khiếu nại và hỗ trợ dịch vụ công. Việc dùng chatbot AI giúp tăng tốc độ phản hồi, giảm áp lực cho tổng đài viên và cải thiện trải nghiệm tương tác giữa chính quyền và người dân. Thành phố Tokyo của Nhật Bản đã triển khai lắp đặt các camera tầm cao tích hợp hệ thống AI để tự động phát hiện hỏa hoạn và sập công trình trong thời gian thực, giúp các dịch vụ khẩn cấp nhận thông tin kịp thời và cải thiện hiệu quả ứng phó. Bên cạnh đó, Tokyo ứng dụng AI để phân tích dữ liệu từ camera trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực có mật độ phương tiện cao như điểm du lịch và đường cao tốc, giúp giảm bớt hoặc thậm chí ngăn chặn ùn tắc giao thông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giao thông xanh là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế xanh. Phát triển giao thông xanh là nhu cầu bức thiết và xu hướng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để phát triển giao thông xanh được bền vững, nhanh chóng, hiệu quả cần có chiến lược và các giải pháp phù hợp, toàn diện, đồng bộ. ThS. Nguyễn Huy Thiêm - Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, điều hành giao thông là xu hướng phát triển trong tương lai, góp phần từng bước khắc phục những hạn chế và bất cập hiện tại, nâng cao chất lượng quản lý trên nhiều phương diện. Song song với việc phát triển mạnh mạng lưới cao tốc, ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, điều hành giao thông. Các đơn vị quản lý cũng nên chú ý phát triển công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm quảng bá hình ảnh cao tốc, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trên cao tốc. Với xu hướng hiện tại, việc ứng dụng phát triển các kênh truyền thông trên internet sẽ là hướng tiếp cận nhanh và dễ dàng đến với người tham gia giao thông.

Bà Lê Thị Thu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ chuyển phát nhanh PCS phát biểu tại Hội thảo.

Bà Lê Thị Thu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ chuyển phát nhanh PCS cho rằng, trong bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng nóng, nhu cầu giao nhận trở nên bùng nổ. Trong khi đó, logistics là một trong những ngành phát thải khí nhà kính cao (giao hàng, vận tải, kho bãi...). Do đó, giao thông xanh không chỉ là vấn đề của nhà nước, mà là cơ hội

chiến lược cho doanh nghiệp logistics. Để làm được điều này, “chuyển đổi kép” chính là con đường cho doanh nghiệp. Bà Lê Thị Thu đã tập trung vào làm rõ khái niệm “chuyển đổi kép” ngành logistics; làm rõ ứng dụng công nghệ như thế nào để tối ưu tuyến đường, giảm thời gian và quãng đường di chuyển, từ đó giảm phát thải; đồng thời bà cũng giới thiệu các biện pháp nhằm xanh hóa vận hành, những khó khăn thực tiễn doanh nghiệp đang đối mặt, hướng đi và cam kết từ phía doanh nghiệp.

Phát triển giao thông xanh, nhất là ở các thành phố lớn là nhu cầu cấp thiết hiện nay. TS Hà Thanh Tùng - Trưởng Bộ môn Kinh tế vận tải và Du lịch, Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, TP Hà Nội đã và đang triển khai các tuyến buýt điện và buýt sử dụng nhiên liệu sạch trong đó có buýt điện đang dần thay thế buýt sử dụng dầu diesel. Tuy nhiên một số rào cản đối với phát triển buýt sử dụng điện, năng lượng xanh tại Hà Nội như: chi phí đầu tư ban đầu của phương tiện cao, sử dụng và quản lý pin, trạm sạc, chưa có các cơ chế chính sách cụ thể. Do đó việc nghiên cứu phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh phù hợp với đặc điểm công nghệ, loại hình và cơ chế chính sách trên địa bàn TP là hết sức cần thiết.

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)