Thứ năm, 17/04/2025 13:29

Phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo hạ tầng số được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (S.T.I.D) quốc gia và công tác kiện toàn tổ chức bộ máy sau hợp nhất. Đồng thời ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà ngành khoa học và công nghệ đã đạt được trong giai đoạn 2020-2024. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành đã khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia và cải thiện đời sống nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng (nguồn: https: bnews.vn).

Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất với các định hướng, giải pháp cụ thể đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất và thảo luận tại buổi làm việc ngày 01/04/2025 đối với các lĩnh vực phát triển: phát triển AI, trung tâm dữ liệu, hạ tầng số, Chính phủ số, kinh tế số, công nghiệp công nghệ số (tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như robot, UAV, xe điện…), đổi mới sáng tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ dùng chung (trung tâm đo lường, thử nghiệm…), sở hữu trí tuệ…, tuy nhiên việc đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng về mô hình (nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, PPP…), hiệu quả và cơ chế quản lý, vận hành. Về nguồn vốn, Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực thỏa đáng, Bộ cần xây dựng các đề án, dự án cụ thể, khả thi, có cơ chế triển khai và sử dụng vốn hiệu quả.

Bối cảnh quốc tế hiện nay cho thấy, S.T.I.D đang có những biến chuyển nhanh chóng, chưa từng có, với các xu hướng lớn như: dòng vốn đầu tư tăng mạnh, AI và AI tạo sinh phát triển bùng nổ; hoạt động khoa học và công nghệ dựa trên hệ sinh thái và hợp tác đa bên, chịu tác động địa chính trị; cạnh tranh gay gắt về nguồn lực (con người, dữ liệu, năng lực tính toán); các Chính phủ điều chỉnh chính sách mạnh mẽ, cạnh tranh dẫn dắt trong các lĩnh vực chiến lược (bán dẫn, AI, ô tô, UAV, robot…). Trong bối cảnh đó, việc phát triển S.T.I.D được Đảng và Nhà nước xác định là yếu tố then chốt, sống còn để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu và hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2024/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ. Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò S.T.I.D, đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học là nhân tố then chốt, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo. Xây dựng chương trình hành động cụ thể, có lộ trình, phân công trách nhiệm rõ ràng; thiết lập cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh việc thực hiện khoảng 180 nhiệm vụ quan trọng đã được xác định, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là các nhiệm vụ có thời hạn trong năm 2025.

Hai là, rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn. Loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đề cao tính linh hoạt, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, trở thành lợi thế cạnh tranh. Tập trung hoàn thiện hồ sơ các dự án luật trình Quốc hội thông qua trong năm 2025. Hoàn thiện thể chế về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, sàn giao dịch dữ liệu; xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho công nghệ mới; hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu trí tuệ (nghiên cứu phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục để xử lý nhanh chóng, hiệu quả).

Ba là, về phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược, Bộ Khoa học và Công nghệ cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến cáp quang biển mới, triển khai mạng 5G toàn quốc. Xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại. Đầu tư phát triển các công nghệ mũi nhọn, chiến lược (AI, bán dẫn, sản xuất thông minh…). Đảm bảo hạ tầng số được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.

Ưu tiên đẩy nhanh triển khai mạng 5G toàn quốc.

Bốn là, tập trung nghiên cứu khoa học và công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, ưu tiên các ngành công nghiệp chiến lược. Thúc đẩy liên kết ba nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp), lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo hiệu quả nghiên cứu. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài khoa học và công nghệ trong và ngoài nước (đặc biệt là trí thức Việt kiều). Có cơ chế tài trợ đặc biệt cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc; cơ chế ghi nhận, tôn vinh xứng đáng các nhà khoa học.

Năm là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao vai trò của khu vực tư nhân. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo. Có chính sách khuyến khích thu hút FDI công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo sự liên kết thực chất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nươc để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, xem xét các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo).

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế: tranh thủ tối đa các nguồn lực, tri thức, công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc tế; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ và toàn ngành.

CT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)