
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh" (nguồn: Lưu Quý).
Chuyển đổi xanh và số là một cặp song sinh

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Phiên thảo luận (nguồn: Lưu Quý).
Phát biểu tại Phiên thảo luân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phát triển xanh là một bước tiến lớn của văn minh nhân loại; lịch sử phát triển của con người từ trước đến nay cơ bản là dựa trên tiêu thụ và làm cạn kiệt tài nguyên với tốc độ ngày một cao hơn và trong khi tiêu thụ rất nhiều tài nguyên, chất thải tạo ra đã làm ô nhiễm môi trường; nhiều đến mức mà "mẹ thiên nhiên" đã phải lên tiếng.
Người Việt Nam thường nói, có một thứ là vô hạn, đó là trí tuệ của một con người; trí tuệ của hàng chục tỷ con người thì còn vô hạn hơn nữa, nhưng trí tuệ con người lại đang nằm ngủ là chính, "nó" chỉ được đánh thức khi có thách thức. Nếu thách thức là vô hạn thì trí tuệ con người mới trở thành vô hạn. Phát triển xanh và bền vững là một thách thức lớn của nhân loại. Vì thách thức này là rất lớn nên trí tuệ con người sẽ được kích hoạt và cũng sẽ trở nên rất lớn để giải quyết thách thức này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và coi đây là áp lực tích cực để kích hoạt đổi mới sáng tạo trong nước, đồng thời tìm kiếm lời giải từ cộng đồng quốc tế. Phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên nền tảng S.T.I.D. Việt Nam coi đây là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, Các công nghệ đột phá được ưu tiên phát triển gồm hydrogen, pin thế hệ mới, công nghệ carbon thấp, công nghệ tuần hoàn. Bên cạnh đó, các công nghệ số thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Big Data và chip bán dẫn là động lực quan trọng cho chuyển đổi xanh. Đây đều là những công nghệ có thể tạo ra thay đổi căn bản về phát triển xanh của nhân loại. "Chuyển đổi xanh và số là một cặp song sinh", muốn xanh phải số, muốn số phải xanh. "Xanh phải số" vì khi lên môi trường số, con người tiêu xài vật chất ít đi. "Số phải xanh" bởi chuyển đổi số sẽ tiêu tốn nguồn điện năng lớn, cần được tiêu dùng hiệu quả.
Vì vậy, cần phải xây dựng một bộ tiêu chuẩn xanh toàn cầu. Để sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, "lời giải có thể là dùng IoT để số hóa toàn bộ thế giới thực và AI nhằm giám sát hiệu quả hoạt động, từ đó ra quyết định điều chỉnh". Sống xanh cần trở thành lối sống của từng cá nhân, đồng thời đề xuất phát triển trợ lý ảo 24/7 để hỗ trợ người dân sống xanh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi cần có hành động toàn cầu trong việc sáng tạo các mô hình hợp tác mới để thúc đẩy chuyển đổi xanh. "Không thể có một quốc gia xanh mà toàn cầu không xanh. Không thể có một toàn cầu xanh mà có một quốc gia không xanh". Đề xuất của Việt Nam là thành lập một trang web để các quốc gia, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, kinh nghiệm chuyển đổi xanh. Các nước P4G cũng cần thành lập "mô hình đổi mới sáng tạo mở" để hình thành cầu nối giữa nơi có nhu cầu với nhà cung cấp giải pháp, công nghệ.
Kinh nghiệm quốc tế trong tạo đột phá chuyển đổi xanh

Bà Soipan Tuya - Bộ trưởng Quốc phòng Kenya chia sẻ tại Phiên thảo luận (nguồn: Lưu Quý).
Bà Soipan Tuya - Bộ trưởng Quốc phòng Kenya nhấn mạnh, AI có tiềm năng lớn, tuy nhiên song hành là những thách thức không chỉ giới hạn ở nguy cơ mất việc làm, thiếu an toàn dữ liệu... Chúng ta phải làm thế nào để có thể tận dụng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững.
Theo bà Soipan Tuya, cần tăng cường đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng về AI cung cấp kết nối Internet mang tính tin cậy cũng như có tốc độ cao; cần có hệ thống dữ liệu với chi phí thấp và dịch vụ điện toán đám mây dễ tiếp cận để giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà nghiên cứu...
Bộ trưởng Quốc phòng Kenya cũng cho rằng, cần thiết phải tích hợp AI vào công nghệ hiện có. Tại Kenya, doanh nghiệp tư nhân hợp tác với những hộ nông dân nhỏ cung cấp ứng dụng AI giúp cảnh báo thời tiết chuyên biệt. Kenya cũng có mô hình khí hậu dựa trên AI để dự báo về lũ lụt, giám sát phá rừng và hỗ trợ sáng kiến trồng cây lên đến 15 tỷ cây xanh trong vòng 10 năm.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi phát biểu tại Phiên thảo luận (nguồn: Lưu Quý).
Cũng tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi giới thiệu về công nghệ biến chất thải thành năng lượng (waste-to-energy) và công nghệ xử lý nước thải hộ gia đình (johkasou). Các cơ sở waste-to-energy có vai trò then chốt khi xử lý khối lượng lớn rác thải, giúp giảm khí nhà kính bằng cách tạo ra điện từ chất thải, giảm thải metan từ các bãi chôn lấp. Còn johkasou là công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt có chi phí hợp lý, kích thước nhỏ, hiệu quả cao, phù hợp với khu vực chưa có hệ thống thoát nước.
Ở Việt Nam, cơ sở waste-to-energy quy mô lớn sử dụng công nghệ Nhật Bản đặt tại tỉnh Bắc Ninh, hệ thống johkasou đặt tại vịnh Hạ Long đã góp phần cải thiện môi trường nước, bảo tồn cảnh quan và phát triển du lịch.
Hiện nay, Nhật Bản hợp tác với các nước ASEAN để khởi động sáng kiến đối tác tuần hoàn tài nguyên ASEAN - Nhật Bản về rác thải điện tử và khoáng sản thiết yếu. Trong khuôn khổ sáng kiến này, Nhật Bản đang hỗ trợ xây dựng khung pháp lý về rác thải điện tử và thúc đẩy hoạt động nâng cao năng lực.
PT