Thứ hai, 12/05/2025 16:27

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ

Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước; tiếp tục tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 5 và thời gian tới. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Nghị quyết xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ du lịch; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2025 tăng 3,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 48% dự toán, tăng 26,3% so với cùng kỳ; chỉ ngân sách nhà nước tăng 15,2%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 21,3, 19,8 và 22,9%; tính chung 4 tháng, xuất khẩu tăng 13%, xuất siêu đạt 3,8 tỷ USD. Tính đến hết tháng 4/2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 12,9% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng đạt 18,6% kế hoạch, tăng 17,7% so với cùng kỳ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 (nguồn: TTXVN).

Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tiếp tục xu hướng phát triển. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; tính chung 4 tháng đầu năm 2025, IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ, trong đó 62 địa phương sản xuất công nghiệp tăng khá; cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; an ninh lương thực được bảo đảm. Khu vực thương mại, dịch vụ tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 11,1%, tính chung 4 tháng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 90 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024; riêng tháng 4, có hơn 24,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 4 tháng đạt 13,8 tỷ USD, tăng 40%, vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cho rằng, nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và thời gian tới gặp thách thức lớn. Công nghiệp khai khoáng chưa được khai thác hiệu quả cho tăng trưởng; xuất khẩu, thu hút FDI gặp khó khăn…

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt nghiêm Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao quyết liệt, kịp thời, nhạy bén hơn nữa; xác định khó khăn, thách thức là cơ hội, là động lực để quyết tâm vượt qua; quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra của năm 2025; trong đó, chú trọng những nội dung sau đây:

Một là, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về: S.T.I.D quốc gia; hội nhập quốc tế; xây dựng và thực thi pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì đôn đốc các cơ quan, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Ba là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; cải cách hành chính hiệu quá, thực chất, tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cần tập trung quyết liệt thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bốn là, thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 03 Chương trình muc tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm, liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế.

Năm là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ du lịch; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị, vật liệu phục vụ ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi...), nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt phục vụ triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo hướng tuần hoàn, hiệu quả, bền vũng, tích hợp đa giá trị, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực.

Sáu là, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy quan hệ thương mại hài hòa, bền vững; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác tối đa thị trường trong nước; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Chính phủ yêu cầu thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP...

Bảy là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng danh mục các nhiệm vụ, dự án S.T.I.D, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, công nghệ chiến lược, công nghệ lõi..., ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước theo mục tiêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (3% tổng chỉ ngân sách nhà nước năm 2025), bảo đảm hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện hiệu quả, kịp thời chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tăng cường niềm tin, đồng thuận xã hội.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)