Nghị định số 133/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 12/6/2025 là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp và phân định rõ thẩm quyền, thúc đẩy sự chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tạo điều kiện phát triển hài hòa giữa Trung ương và cơ sở. Nghị định là văn bản pháp lý quan trọng, cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Văn bản này được ban hành trong bối cảnh yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoa học - công nghệ, trong đó lĩnh vực viễn thông là một trụ cột trọng yếu.
Theo Nghị định, UBND cấp tỉnh được trao quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp viễn thông hoạt động trong phạm vi giấy phép cấp tại địa phương. Đây là bước đi cần thiết nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tránh việc dồn hồ sơ về Bộ Khoa học và Công nghệ. Điều này cũng phản ánh sự tin tưởng của Chính phủ đối với năng lực pháp lý và hành chính của chính quyền cấp tỉnh, đồng thời khuyến khích địa phương nâng cao năng lực trong lĩnh vực có yếu tố kỹ thuật cao như viễn thông.
Các doanh nghiệp viễn thông có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong phạm vi địa phương sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ bởi UBND cấp tỉnh. Việc này giúp: giảm áp lực hành chính tại Trung ương; tăng cường sự tương tác giữa doanh nghiệp và chính quyền sở tại; rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực viễn thông.
Một trong những điểm mới là thẩm quyền giải quyết đề nghị ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp được giao cho cấp tỉnh. Trước đây, hoạt động này phải trình lên Bộ chủ quản. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong chiến lược kinh doanh, mà còn yêu cầu địa phương theo sát hoạt động và hiệu quả cung cấp dịch vụ tại địa bàn.
Đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép, khi tiến hành cung cấp dịch vụ thực tế, họ phải gửi thông báo tới UBND cấp tỉnh. Cơ quan chức năng cấp tỉnh sẽ có vai trò kiểm tra, giám sát các điều kiện cung cấp dịch vụ, đồng thời tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người dân. Việc này tạo nên một chuỗi giám sát minh bạch từ cơ sở.
Các doanh nghiệp muốn kết nối dịch vụ nội dung với mạng di động cần có giấy chứng nhận đăng ký kết nối. Việc cấp, gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy chứng nhận nay thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Việc trao quyền này có nhiều ý nghĩa như: cho phép địa phương kiểm soát luồng nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục vùng miền; kịp thời xử lý các đơn vị vi phạm về quảng cáo sai sự thật, tin rác, dịch vụ thu phí trái quy định; tăng khả năng phối hợp giữa viễn thông và các cơ quan văn hóa, thông tin cấp tỉnh.
Một điểm mới nổi bật là UBND tỉnh được quyền phân bổ số thuê bao H2H theo hình thức đấu giá. Việc này giúp đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh; tránh lãng phí tài nguyên kho số; gắn kết nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp tại địa phương.
UBND tỉnh cũng có quyền thu hồi, cấp lại, xử lý hoàn trả số thuê bao, đảm bảo tài nguyên viễn thông quốc gia được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Có thể thấy, việc phân cấp giúp chuyển giao “gánh nặng” quản lý hành chính từ Trung ương xuống địa phương, cho phép Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng chiến lược, chính sách cấp quốc gia. Các thủ tục hành chính mang tính chất kỹ thuật và lặp lại có thể xử lý nhanh chóng ở cấp tỉnh, phù hợp với phương châm “chính quyền gần dân, hiểu dân”.
Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong cấp phép và quản lý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương triển khai các mô hình dịch vụ mới như: trạm BTS quy mô nhỏ; dịch vụ 5G cục bộ cho khu công nghiệp; ứng dụng IoT tại vùng nông thôn. Chính quyền địa phương cũng được khuyến khích xây dựng các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc điểm vùng miền.
Ngoài ra, việc đấu giá kho số thuê bao, công khai thông tin cấp phép, xử phạt vi phạm ở cấp tỉnh sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Cạnh tranh sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ thay vì chỉ tập trung vào khuyến mãi, chiêu trò tiếp thị. Cơ quan quản lý địa phương khi được phân quyền sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn như: mở rộng phủ sóng 4G/5G; đầu tư cáp quang tại vùng sâu, vùng xa; phát triển các nền tảng số phục vụ chính quyền điện tử và kinh tế số.
Nghị định quy định Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm cung cấp thông tin về hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính do Bộ thực hiện trước ngày 01/7/2025 để bảo đảm thực hiện thông suốt việc giải quyết các thủ tục hành chính khi phân quyền, phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đối với đơn, hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết xong, thì cơ quan, người có thẩm quyền đó tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận đơn, hồ sơ đó.

Theo phân cấp, việc cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông do UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thực hiện.
Phân cấp trong lĩnh vực viễn thông không chỉ là một bước cải cách hành chính mang tính kỹ thuật, mà còn là một chiến lược dài hạn để tái cấu trúc lại bộ máy quản lý nhà nước theo hướng hiệu quả, gần dân và thúc đẩy đổi mới. Nghị định 133/2025/NĐ-CP đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cụ thể và thực tiễn để triển khai chủ trương này. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, cần có sự đồng hành của các cơ quan Trung ương trong việc hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật để viễn thông thật sự trở thành động lực then chốt trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
CT