Thứ sáu, 27/06/2025 11:01

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Nền tảng để Việt Nam tăng tốc, cạnh tranh bằng chất lượng trí tuệ

Ngày 27/06/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) với tỷ lệ tán thành cao (435/438 đại biểu tán thành), chiếm 91,00%. Đây được đánh giá là bước đột phá trong việc thể chế hóa các nghị quyết quan trọng của Đảng, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Luật có hiệu lực từ ngày 01/10/2025.

Quốc hội thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Nguồn: CESTC.

Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được pháp điển hóa

Luật KH,CN&ĐMST xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cùng với các khái niệm nền tảng như KH,CN&ĐMST, hệ sinh thái sáng tạo, nền tảng số và cơ sở dữ liệu quốc gia. Các nguyên tắc vận hành được thiết lập nhằm bảo đảm định hướng phát triển bền vững, tôn trọng tự do nghiên cứu, đề cao liêm chính khoa học và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Ngay từ đầu, luật đã lựa chọn phương thức quản lý theo hướng hậu kiểm, đồng thời nâng cao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH,CN&ĐMST.

Lần đầu tiên, ĐMST được pháp điển hóa như một lĩnh vực độc lập, có vị thế tương đương với KH&CN trong hệ thống pháp luật quốc gia. Đây là bước chuyển nhận thức quan trọng, thể hiện quan điểm coi ĐMST là chuỗi hoạt động liền mạch, từ hình thành ý tưởng, thử nghiệm đến ứng dụng vào thực tiễn và thương mại hóa.

Phạm vi điều chỉnh của Luật cũng được mở rộng bao trùm các mô hình tổ chức mới, cơ chế sản xuất sáng tạo và phương thức quản trị đổi mới trong cả khu vực công và tư. Những hoạt động trước đây ít được pháp luật công nhận như sáng kiến cộng đồng, đổi mới trong dịch vụ công, ứng dụng công nghệ số… nay chính thức trở thành một phần cấu thành của hệ sinh thái sáng tạo quốc gia.

Luật ghi nhận và đề cao vai trò của đa dạng các chủ thể trong hoạt động KH,CN&ĐMST, từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trung gian đến cộng đồng công nghệ mở và các tổ chức phi lợi nhuận. Qua đó, không chỉ khu vực công, mà toàn xã hội được huy động vào tiến trình ĐMST toàn diện.

Nhiều điểm mới trong quản lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Một trong những điểm nhấn về đổi mới thể chế là việc chuyển đổi mạnh từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, tập trung vào minh bạch hóa quy trình, đánh giá kết quả và quản lý rủi ro thay vì can thiệp sâu vào hoạt động ban đầu. Đây là cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với đặc trưng linh hoạt và thử nghiệm liên tục của lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Luật thiết lập cơ chế “thử nghiệm có kiểm soát” (sandbox) - một công cụ pháp lý mới cho phép triển khai các mô hình, công nghệ hoặc chính sách mới trong khung thời gian và phạm vi giới hạn. Cách làm này tạo điều kiện để các sáng kiến công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ y tế và giáo dục số được vận hành trong môi trường pháp lý an toàn trước khi áp dụng rộng rãi.

Đặc biệt, Luật thể hiện rõ nguyên tắc bảo vệ nhà khoa học và tổ chức chủ trì khi thực hiện đúng quy trình và quy định pháp luật, dù kết quả có thể không như kỳ vọng. Đây chính là việc thừa nhận tính rủi ro trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, được quy định cụ thể trong Luật. Điều này góp phần nuôi dưỡng tinh thần dấn thân, sáng tạo và sẵn sàng thử nghiệm - những phẩm chất không thể thiếu trong một nền khoa học đổi mới và tiên phong.

Vai trò kiến tạo của Nhà nước còn được thể hiện qua việc xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, phân bổ nguồn lực minh bạch và linh hoạt cho các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST. Luật quy định rõ trách nhiệm tài trợ, hỗ trợ hạ tầng, bảo đảm môi trường thuận lợi để các tổ chức và cá nhân có thể triển khai sáng kiến một cách hiệu quả và an toàn.

Về phân cấp, phân quyền, Luật quy định rõ vai trò và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc triển khai các chính sách KH,CN&ĐMST. Theo đó, quyền chủ động được trao cho các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng và vận hành các chương trình KH&CN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thông qua đó, các địa phương được phép thành lập quỹ ĐMST, trung tâm ĐMST cấp tỉnh, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh, từ đó tạo ra hệ sinh thái sáng tạo đặc thù, gắn liền với lợi thế, tiềm năng của từng địa phương.

Luật mở rộng quyền tự chủ cho các tổ chức KH&CN. Các tổ chức này có toàn quyền quyết định về định hướng nghiên cứu, mô hình hợp tác, quản trị nhân sự cũng như phân bổ nguồn lực tài chính, bao gồm cả việc sử dụng tài sản và phân chia lợi nhuận. Điều này không chỉ xóa bỏ cơ chế xin - cho đã tồn tại lâu nay, mà còn giúp các đơn vị nâng cao tính linh hoạt và năng lực cạnh tranh trong môi trường ĐMST hiện đại.

Bên cạnh đó, luật cũng thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết các vấn đề đa lĩnh vực có liên quan đến KH,CN&ĐMST. Những lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, hay năng lượng tái tạo đòi hỏi sự điều phối chặt chẽ và đồng bộ về chính sách, nguồn lực và giải pháp công nghệ. Nhờ cơ chế này, hoạt động KH,CN&ĐMST sẽ được triển khai hiệu quả hơn, hạn chế chồng chéo và nâng cao tính liên thông giữa các cấp, các ngành trong toàn hệ thống.

Tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã tháo gỡ điểm nghẽn kéo dài nhiều năm liên quan đến cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước Nguồn: VNU Media.

Luật KH,CN&ĐMST thiết lập cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và bảo hộ các hình thức chuyển giao công nghệ. Quyền sở hữu hoặc phân chia lợi ích kinh tế từ kết quả nghiên cứu được bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân theo mức độ đóng góp, qua đó khuyến khích sự tham gia chủ động từ phía nhà khoa học và doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật đã tháo gỡ điểm nghẽn kéo dài nhiều năm liên quan đến cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Thay vì phải xin phép lại cơ quan cấp trên, tổ chức chủ trì được mặc nhiên giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu. Đây là bước tiến quan trọng, giúp thúc đẩy ứng dụng thực tiễn và tăng tính minh bạch trong quản lý tài sản trí tuệ.

Luật cũng tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thương mại hóa với các công cụ như sàn giao dịch công nghệ, tổ chức định giá tài sản trí tuệ, các trung tâm hỗ trợ chuyển giao... giúp kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu và sản xuất - kinh doanh. Nhà khoa học được phép nhận lợi ích kinh tế trực tiếp từ sản phẩm trí tuệ, trong khi tỷ lệ phân chia doanh thu được quy định rõ ràng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

*

*       *

Có thể khẳng định, Luật KH,CN&ĐMST không chỉ là văn bản pháp lý, mà là một tuyên ngôn cho phát triển bằng tri thức. Với tinh thần kiến tạo, Luật mở ra không gian thể chế mới, thúc đẩy sáng tạo toàn xã hội, khuyến khích thương mại hóa nghiên cứu, phân quyền hiệu quả và gắn kết nghiên cứu với thị trường. Trong hành trình phát triển mới của đất nước, đây là đạo luật nền tảng giúp Việt Nam tăng tốc, cạnh tranh bằng chất lượng trí tuệ, nâng cao năng lực nội sinh và vững bước trên con đường hội nhập toàn cầu.

Vũ Hưng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)