Thứ tư, 09/07/2025 15:45

75% ca ung thư dạ dày có thể được phòng tránh nhờ một phương pháp điều trị đơn giản

Ung thư dạ dày đang có xu hướng gia tăng ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây đăng tải trên Tạp chí Nature Medicine cho thấy, có đến 3/4 số ca mắc căn bệnh này trong tương lai hoàn toàn có thể được ngăn chặn thông qua việc tầm soát và điều trị một loại vi khuẩn rất phổ biến - Helicobacter pylori.

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori được coi là nguyên nhân nguy cơ cao nhất dẫn đến ung thư dạ dày. Điều đáng mừng là nguy cơ này hoàn toàn có thể phòng tránh được, nhờ điều trị bằng kháng sinh kết hợp với thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm axit dạ dày.

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori được coi là nguyên nhân nguy cơ cao nhất dẫn đến ung thư dạ dày.

Nghiên cứu do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), cơ quan chuyên trách về ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, đã ước tính tỷ lệ mắc ung thư dạ dày trong tương lai, bao gồm các trường hợp do nhiễm H. pylori, ở nhóm người sinh từ năm 2008 đến 2017. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình quy mô lớn để dự báo gánh nặng ung thư dạ dày, giả định không có thay đổi nào về các biện pháp phòng ngừa hay điều trị hiện tại. Sau đó, tính toán số lượng ca ung thư trong số này có liên quan trực tiếp đến H. pylori. Các tỷ lệ mắc ung thư đặc thù theo tuổi được lấy từ cơ sở dữ liệu GLOBOCAN 2022, trong khi các dự báo về tử vong dựa trên dữ liệu của Liên hợp quốc.

Mô hình mô phỏng đã xem xét tần suất ung thư xảy ra ở các nhóm tuổi khác nhau, khả năng tử vong trước khi ung thư phát triển và các xu hướng dân số như tăng trưởng, già hóa. Nếu không có sự thay đổi trong cách điều trị hiện tại, các mô hình dự báo cho thấy, trong suốt cuộc đời của tất cả những người sinh từ 2008 đến 2017, thế giới sẽ ghi nhận khoảng 15,6 triệu ca ung thư dạ dày mới. Trong số đó, có tới 76% (tương đương 3/4 số người sinh ra trong giai đoạn này) là do nhiễm H. pylori. Châu Á được dự báo sẽ chịu gánh nặng lớn nhất với 10,6 triệu ca, tiếp theo là châu Mỹ với 2 triệu ca và châu Phi khoảng 1,7 triệu ca.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một chương trình tầm soát và điều trị H. pylori đạt hiệu quả 100% có thể giảm tới 75% số ca ung thư dạ dày. Ngay cả các chương trình chỉ đạt hiệu quả 80-90% vẫn có khả năng phòng ngừa từ 60-68% ca mắc. Đây là các giải pháp được đánh giá rất kinh tế, kể cả ở các nước thu nhập thấp, tương đương với các chương trình tiêm chủng HPV hay viêm gan B. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cần tập trung vào quá trình phát triển lâu dài của thế hệ trẻ hôm nay, cũng như nguy cơ ung thư dạ dày mà họ có thể đối mặt trong tương lai để tăng cường đầu tư cho công tác phòng ngừa, bao gồm triển khai các chiến lược tầm soát và điều trị H. pylori ở quy mô cộng đồng.

Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy, phần lớn các ca ung thư dạ dày trong tương lai hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu có các biện pháp y tế công cộng quyết liệt hơn. Việc diệt trừ H. pylori là chiến lược đã được chứng minh, với chi phí thấp và cần được ưu tiên. Các chương trình có thể tùy chỉnh cho từng nhóm quốc gia, như tầm soát bằng nội soi kết hợp điều trị bảo hiểm ở nước thu nhập cao, hay sàng lọc cộng đồng và điều trị sớm ở nước thu nhập thấp, trung bình. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển vắc xin H. pylori.

TXB

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)