Theo Ủy ban châu Âu, hiện EU đang phải đối mặt với khoảng cách tài chính lên tới 37 tỷ euro (tương đương 43 tỷ USD) mỗi năm để đạt được các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Trong khi đó, khối đã chi trả những khoản trợ cấp khổng lồ cho nông dân thông qua Chính sách nông nghiệp chung (CAP). Việc tìm ra các công cụ tài chính sáng tạo nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đóng góp vào bảo vệ thiên nhiên đang trở thành nhu cầu cấp bách.

Ủy ban châu Âu cho biết, trong năm nay sẽ thành lập một nhóm chuyên gia gồm: đại diện Chính phủ, cộng đồng địa phương, nông dân và giới khoa học để xây dựng phương pháp luận cho “tín chỉ thiên nhiên”. Dự kiến đến năm 2027, EU sẽ tài trợ cho các dự án thí điểm về cơ chế tín chỉ này. Đây sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp hoặc các quốc gia mua tín chỉ do những nông dân, người quản lý rừng hay các đơn vị quản lý đất đai phát hành khi họ thực hiện các hoạt động bảo tồn như trồng rừng, khôi phục vùng đất ngập nước hoặc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tái sinh.
Nhóm chuyên gia này cũng sẽ nghiên cứu cách chứng nhận các tín chỉ thiên nhiên và xây dựng quy chuẩn quản lý thị trường, trước khi EU quyết định có đưa sáng kiến này vào luật chính thức hay không. Ủy viên phụ trách môi trường của EU Jessika Roswall nhấn mạnh, đây không phải là việc thương mại hóa thiên nhiên, mà nhằm ghi nhận và trả phí xứng đáng cho các hành động phục hồi, duy trì đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
Xuân Bình