Thứ ba, 22/07/2025 15:05

Việt Nam vào top 6 toàn cầu về AI

Việt Nam vừa vươn lên vị trí thứ 6 trong Xếp hạng Chỉ số AI Thế giới 2025, vượt qua nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Australia. Kết quả cho thấy, người Việt không chỉ cởi mở với công nghệ mới mà còn sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên AI. Tuy nhiên, khoảng cách giữa niềm tin và mức độ sử dụng thực tế vẫn là thách thức lớn trên hành trình phổ cập AI đến toàn dân.

Theo công bố mới nhất từ Mạng lưới Nghiên cứu thị trường độc lập toàn cầu (WIN) ngày 16/07/2025, Việt Nam đạt 59,2/100 điểm trong Xếp hạng Chỉ số AI Thế giới 2025, đứng thứ 6 trong tổng số 40 quốc gia được khảo sát. Dữ liệu khảo sát tại Việt Nam do Indochina Research thực hiện với 900 người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ trong giai đoạn cuối 2024 và đầu 2025.

Điểm số 7 thành phần của Việt Nam (nguồn: Indochina Research).

Bảng xếp hạng được tổng hợp từ 7 chỉ số thành phần, phản ánh toàn diện cách con người tiếp cận và đánh giá AI: mức độ chấp nhận, tin tưởng, khả năng sử dụng, mức độ hiệu quả, mức độ quan tâm, mức độ thoải mái và mức độ sử dụng.

Có thể thấy, Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở 2 khía cạnh: niềm tin và thái độ tích cực đối với AI. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 3 toàn cầu về mức độ tin tưởng vào AI (65,6 điểm) và thứ 5 về mức độ chấp nhận công nghệ này (71,6 điểm). Những con số này cho thấy, người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang nhìn nhận AI như một cơ hội thay vì mối đe dọa. Tuy nhiên, mức độ sử dụng thực tế của người dân lại chưa tương xứng với thái độ cởi mở đó. Việt Nam chỉ đứng thứ 17 trong nhóm 40 quốc gia về tần suất sử dụng AI, với 37,6 điểm - mức thấp nhất trong các chỉ số thành phần. Dù khoảng 60% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng AI, nhưng chỉ 3% sử dụng hằng ngày. Sự chênh lệch càng rõ nét khi xét theo địa lý và độ tuổi: gần 90% giới trẻ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng dùng AI, nhưng tỷ lệ này giảm đáng kể ở Đà Nẵng, Cần Thơ và nhóm từ 55 tuổi trở lên.

Tổng Giám đốc Indochina Research Vietnam Xavier Depouilly nhận định, thế hệ trẻ đô thị đang là lực lượng đi đầu trong tiếp cận công nghệ mới. Sự chủ động tiếp cận AI từ giới trẻ đóng vai trò lớn trong quá trình phát triển kinh tế số và hiện đại hóa nền kinh tế.

Bên cạnh tín hiệu tích cực, khảo sát cũng ghi nhận những mối lo ngại phổ biến trong cộng đồng người dùng. Gần 52% người Việt lo lắng về cách AI thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về quyền riêng tư. Khoảng 48% e ngại AI có thể thay thế công việc của con người, trong khi 36% lo lắng về nguy cơ thông tin sai lệch như deepfake hay thao túng dư luận. Đây là những điểm tương đồng với xu hướng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của Indochina Research, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế trong cuộc đua AI toàn cầu: thái độ tích cực, sự cởi mở với công nghệ và lực lượng người trẻ năng động. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành thực lực, cần sớm rút ngắn khoảng cách tiếp cận giữa các nhóm dân cư và khu vực. Điều này đòi hỏi chính sách đồng bộ về giáo dục, truyền thông, hạ tầng công nghệ và an toàn dữ liệu.

Xuân Bình

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)