
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Tuấn Quang phát biểu tại sự kiện (nguồn: The Leader).
Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Tuấn Quang chia sẻ tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 ngày 18/07/2025. Ông cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét một dự thảo Nghị định về việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Mô hình hoạt động của sàn này tương tự sàn chứng khoán, với hai loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon - loại tài sản đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc khí tương đương. Đồng thời, một Nghị định khác liên quan đến giao dịch quốc tế kết quả giảm phát thải cũng đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, nhằm điều chỉnh hoạt động chuyển nhượng tín chỉ carbon ra nước ngoài. Cả hai văn bản pháp lý quan trọng này dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm nay, đặt nền móng pháp lý và kỹ thuật cho việc vận hành thử sàn giao dịch carbon vào cuối năm 2025.
Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để phát triển tín chỉ carbon từ các hoạt động nông nghiệp, năng lượng tái tạo và xử lý chất thải. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến như sản xuất than sinh học (biochar) từ phế phẩm nông nghiệp, thu hồi khí biogas từ chăn nuôi, hoặc xử lý rác phát điện. Chẳng hạn, biochar có thể giúp giảm 10-12% phát thải carbon nhờ lưu giữ CO2 lâu dài trong đất, đồng thời cải thiện độ màu mỡ và khả năng giữ ẩm của đất nông nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ thực sự phát huy khi Việt Nam kiểm soát tốt việc giao dịch quốc tế. Nếu các tín chỉ carbon bị bán ra nước ngoài quá nhiều, doanh nghiệp trong nước sẽ thiếu nguồn cung để thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải, đặc biệt khi nhu cầu nội địa dự báo sẽ tăng mạnh từ năm 2026. Một khi tín chỉ được chuyển nhượng quốc tế, phần đóng góp giảm phát thải sẽ không còn được tính cho Việt Nam, khiến quốc gia khó đạt mục tiêu trong cam Đóng góp quốc gia tự quyết định (Thỏa thuận Paris).
Thực tế, nhiều ngành đang bắt đầu chịu áp lực từ các cam kết toàn cầu. Trong 5 tháng tới, các hãng hàng không Việt Nam cần khoảng 2,3 triệu tín chỉ carbon để đáp ứng quy định của Chương trình CORSIA - cơ chế giảm phát thải bắt buộc trong lĩnh vực hàng không quốc tế. Tương tự, ngành vận tải biển cũng đang chuẩn bị thích ứng với thỏa thuận hàng hải của Liên hợp quốc. Ngoài ra, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu cũng đang tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu Việt Nam không sớm thiết lập hệ thống định giá và giao dịch carbon hiệu quả, nhiều doanh nghiệp sẽ phải trả mức phí carbon 20-35% giá trị hàng hóa, hoặc phải mua tín chỉ từ nước ngoài với chi phí cao hơn.

Việt Nam cần xây dựng thị trường carbon nội địa ổn định (nguồn: internet).
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia và đại diện quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên ưu tiên giữ lại tín chỉ cho thị trường nội địa. Việc xây dựng thị trường carbon nội địa ổn định sẽ giúp đảm bảo khả năng tự chủ trong chiến lược giảm phát thải dài hạn, đồng thời giúp doanh nghiệp tránh lệ thuộc vào thị trường quốc tế. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã phát hành hơn 22 triệu tín chỉ carbon được xác nhận bởi các tổ chức quốc tế như Verra và Gold Standard từ năm 2003, trong đó riêng năm 2024 đã chiếm hơn một nửa. Ngoài ra, hơn 40 triệu tín chỉ đã được xác nhận và giao dịch theo cơ chế phát triển sạch. Những con số này cho thấy tiềm năng to lớn, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện cơ chế thị trường carbon quốc gia để biến tiềm năng thành hành động hiệu quả.
TXB