Thứ ba, 14/09/2021 09:28

Robot VPT-RB1200-S1: Giải pháp tối ưu giúp bảo dưỡng cho các tấm pin năng lượng mặt trời

Với mục tiêu thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ đã tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu - phát triển các giải pháp, công nghệ và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Để đáp ứng nhu cầu vệ sinh các tấm pin năng lượng mặt trời - thiết bị quan trọng của hệ thống năng lượng mặt trời nhằm tối ưu chi phí, cũng như tăng hiệu suất hoạt động của các tấm pin, sau 3 năm nghiên cứu sáng tạo, Vũ Phong Tech (thành viên của Vũ Phong Energy Group) đã nghiên cứu thiết kế và lắp ráp thành công thiết bị vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời với nhiều tính năng và ưu điểm nổi bật. Sản phẩm đã được giới thiệu tại hội thảo trực tuyến diễn ra ngày 10/9/2021 do Vũ Phong Tech tổ chức.

Nguồn năng lượng sạch vô tận

Vị trí địa lý đã ưu ái cho Việt Nam một nguồn năng lượng tái tạo vô cùng lớn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Trải dài từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc, Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Trong đó, nhiều nhất phải kể đến TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là các vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai) và vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh)…

Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng, miền khác nhau của đất nước. Đặc biệt, số ngày nắng trung bình trên các tỉnh của miền Trung và miền Nam là khoảng 300 ngày/năm. Năng lượng mặt trời có thể được khai thác cho hai nhu cầu sử dụng: sản xuất điện và cung cấp nhiệt.

Năng lượng mặt trời có những ưu điểm như: sạch, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, an toàn cho người sử dụng… Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời sẽ góp phần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Vì thế, đây được coi là nguồn năng lượng quý giá, có thể thay thế những dạng năng lượng cũ đang ngày càng cạn kiệt. Từ lâu, nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng năng lượng mặt trời như một giải pháp thay thế những nguồn tài nguyên truyền thống. Tại Đan Mạch, năm 2000, hơn 30% hộ dân sử dụng tấm thu năng lượng mặt trời, có tác dụng làm nóng nước. Ở Brazil, những vùng xa xôi hiểm trở như Amazon, điện năng lượng mặt trời luôn chiếm vị trí hàng đầu. Ngay tại Đông Nam Á, điện mặt trời ở Philipines cũng đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho 400.000 dân.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng trong thời gian qua, các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời tại Việt Nam vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi mà chỉ tập trung tại một số khu vực thuộc vùng nông thôn, miền núi… Ở các thành phố lớn như Hà Nội, số công trình sử dụng pin mặt trời mới chỉ đếm trên đầu ngón tay gồm: hệ thống pin mặt trời hòa vào mạng điện chung của Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trạm pin mặt trời nối lưới lắp đặt trên mái nhà làm việc của Bộ Công Thương, hai cột đèn năng lượng mặt trời kết hợp năng lượng gió đầu tiên được lắp đặt tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…

Rào cản lớn nhất của việc sử dụng pin năng lượng mặt trời chính là vấn đề tài chính. Dù năng lượng mặt trời ở dạng “nguyên liệu thô”, nhưng chi phí đầu tư để khai thác, sử dụng lại rất cao do công nghệ, thiết bị sản xuất đều nhập từ nước ngoài. Phần lớn những dự án điện mặt trời đã và đang triển khai đều sử dụng nguồn vốn tài trợ hoặc vốn vay nước ngoài. Do đó, mới chỉ có một vài tổ chức, viện nghiên cứu và các trường đại học tham gia, còn phía doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa “mặn mà” với việc ứng dụng, sản xuất cũng như sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời.

Trong khi các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ đang dần cạn kiệt, giá thành cao, nguồn cung không ổn định, nhiều nguồn năng lượng thay thế đang được các nhà khoa học quan tâm, đặc biệt là nguồn năng lượng mặt trời. Việc tiếp cận để tận dụng nguồn năng lượng mới này không chỉ góp phần cung ứng kịp nhu cầu năng lượng của xã hội mà còn giúp tiết kiệm điện năng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tối ưu hóa công tác vận hành các thiết bị điện mặt trời

Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong (Vũ Phong Energy Group) được thành lập ngày 27/2/2009 với định hướng hoạt động như một nhà sản xuất các linh kiện, thiết bị và thi công lắp đặt trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Đến nay, Vũ Phong Energy Group đã triển khai thành công hơn 1.000 dự án điện mặt trời, trong đó có nhiều nhà máy điện mặt trời công suất hàng trăm MWp. Những năm gần đây, với việc đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Vũ Phong đã trở thành tổng thầu EPC của hàng trăm dự án điện mặt trời mái nhà với quy mô lớn như: Dầu Tiếng (420 MWp), Hồng Phong (325 MWp), BIM 2 (250 MWp)… Từ năm 2020 trở lại đây, Vũ Phong đã hợp tác với các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế phát triển mô hình BLT (Build - Lease - Transfer) cho hệ thống điện mặt trời áp mái tại các nhà máy công nghiệp và công trình thương mại; tổ chức thi công, vận hành bảo dưỡng (O&M) nhiều nhà máy điện mặt trời công suất lớn.  Ngoài cung cấp dịch vụ tổng thầu EPC, các dịch vụ quản lý, vận hành năng lượng tái tạo, Vũ Phong còn cung cấp các giải pháp tích hợp công nghệ, lưu trữ năng lượng, xây dựng một hệ sinh thái với sứ mệnh “Phát triển năng lượng sạch vì sự phát triển xanh và bền vững”.

Ông Phạm Nam Phong - Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong vòng 5 năm trở lại đây, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh. Chỉ riêng 2 năm 2019-2020, tổng công suất điện mặt trời lắp đặt đã lên tới hơn 16 GW. Trong năm 2021 này, cũng sẽ có khoảng 4-5 GW điện gió được đấu lưới. Như vậy, tổng công suất năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã lên tới hơn 20 GW… Chính vì thế, yêu cầu đặt ra là làm thế nào để các chủ đầu tư, các công ty cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành cùng nhau tìm ra các giải pháp cũng như các công cụ hỗ trợ (phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin…) để quản lý tối ưu, tạo ra nhiều sản lượng nhất cho các hệ thống và đảm bảo công tác điều độ điện lưới. Robot VPT-RB1200-S1 là một công cụ hỗ trợ như thế, được hoàn thành sau 3 năm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm bởi các kỹ sư Vũ Phong Tech có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng mặt trời lắp ráp thành công. Trải qua thời gian dài vận hành thực tế trên nhiều hệ thống và cải tiến, Robot VPT-RB1200-S1 đã được tối ưu để phục vụ các hệ thống điện mặt trời áp mái tại Việt Nam với những ưu điểm nổi bật:

Một là, lau sạch: nhờ điều chỉnh được tốc độ quay, chế độ di chuyển và khoảng cách giữa chổi lau và bề mặt tấm pin tùy biến theo từng điều kiện kết cấu và tính chất bụi. Robot có khả năng xoay tại chỗ 360o, lau dài 1.200 mm với các sợi lô mềm, mỏng quay với tốc độ phù hợp, giúp làm sạch tấm pin chỉ với một lần quét qua.

Hai là, hiệu quả: năng suất cao (10.000 m2/ca) và tiết kiệm nước hơn (tiêu thụ chỉ 0,8~1 lít nước/m2). Robot có khả năng làm sạch được ở những vị trí xa, khó tiếp cận (điều khiển xa lên đến 200 m), có thể tự di chuyển qua khoảng hở giữa các dãy pin lên đến 400 mm. Theo tính toán, để lau sạch 5.000 m2 điện mặt trời, sản phẩm robot do Vũ Phong sản xuất sẽ mất khoảng 4 giờ, giúp tiết kiệm nhân công và chi phí.

Ba là, dễ vận hành: Robot được điều khiển từ xa, giao diện tay điều khiển được thiết kế trực quan, nên vận hành đơn giản và dễ dàng.

Bốn là, linh hoạt hơn: Robot được thiết kế dạng module, có thể tháo lắp nhanh, giúp dễ dàng vận chuyển, dễ dàng tích hợp các kiểu chổi lau khác nhau theo đặc thù từng công trình. Bên cạnh đó, Robot có thể vận hành chỉ với một người điều khiển.

Năm là, đa dạng phương thức hoạt động: do được thiết kế, lắp ráp trong nước nên khả năng nâng cấp cao hơn; sẵn sàng mở rộng kết nối điều khiển IoT, điều khiển từ xa; tích hợp giám sát hành trình, tính toán diện tích lau.

Trước Robot VPT-RB1200-S1, với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo, đồng thời để chủ động trong công tác quản lý và vận hành các nhà máy điện mặt trời, các kỹ sư của Vũ Phong Tech đã nghiên cứu thiết kế, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm Robot vệ sinh tấm pin mặt trời theo đặc thù từng dạng công trình như: Robot VPT-RB2300 và VPT-TRACKER-S2 phục vụ nhà máy điện mặt trời lắp đặt theo kết cấu 1 tấm và hệ tracker 1 tấm; Robot lau khô VP-DRY4000-S1 phục vụ nhà máy điện mặt trời lắp đặt theo kết cấu 2 tấm và hệ tracker 2 tấm có đặc điểm bụi khô không bám dính (như bụi bẩn do đất cát khô ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận…).

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)