Lợi ích từ sứa biển
Sứa biển là loài động vật biển cấp thấp, có cấu tạo hóa học đơn giản từ nước và protein, trong đó 60% protein trong cơ thể sứa là collagen. Collagen là một loại protein được tìm thấy trong các mô liên kiết và mô thịt ở các loài động vật có vú. Nó có dạng sợi, xuất hiện chủ yếu trong các mô xơ như dây chằng, gân và da. Ngoài ra, nó cũng có nhiều trong giác mạc, sụn, xương, mạch máu, ruột, đĩa đệm… Chính vì thế, collagen là loại protein chiếm tỉ trọng nhiều nhất trong cơ thể (khoảng 25-35%). Đặc biêt, nó chiếm tới 70% cấu trúc da và được xem như một chất keo có thể kết nối các tế nào dưới da, giúp da trở nên săn chắc và mịn màng.
Thống kê cho thấy, nguồn sứa biển trên thế giới rất phong phú với tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhóm sứa biển Việt Nam đang khai thác là sứa dù với khoảng 26 loài, sản lượng khai thác chủ yếu tập trung tại vùng ven biển phía Bắc. Tuy nhiên, cho tới nay sứa biển Việt Nam vẫn chủ yếu được khai thác, chế biến thủ công theo phương pháp truyền thống, tạo ra một số sản phẩm với giá trị kinh tế thấp; sứa đa phần được chế biến làm thực phẩm, phục vụ tiêu dùng nội địa. Do đó, để nâng cao giá trị gia tăng từ nguồn lợi sứa biển, việc tìm ra công nghệ nhằm nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế của nguồn lợi sứa biển là rất cần thiết.
Ứng dụng công nghệ chiết xuất collagen từ sứa biển
Nhận thấy tiềm năng trong việc khai thác, chiết xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển, các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzym trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam” thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương quản lý. TS Trần Mạnh Hà - Viện Tài nguyên và Môi trường biển (chủ nhiệm đề tài) cho biết, tại Việt Nam, sứa biển là loài có trữ lượng lớn, công suất khai thác ước tính lên tới hàng trăm nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, sứa lại chủ yếu được khai thác và chế biến ở dạng thô, như sơ chế khử bớt mùi tanh và đóng gói bán dưới dạng thực phẩm tươi sống đem lại giá trị kinh tế thấp. Từ thực tế này, các nhà khoa học của Viện đã ứng dụng công nghệ enzym trong tách chiết collagen, giúp mang lại hiệu suất cao với chất lượng collagen tốt, thời gian ngắn hơn và ít ô nhiễm môi trường. Để tiến hành nghiên cứu, nhóm đề tài đã lựa chọn bốn loài sứa Dù có trữ lượng lớn và được khai thác phổ biến ở các vùng ven biển Việt Nam gồm: Rhopilema hispidum; Rhophilema esculentum; Lobonema smithii và Crambione mastigophora. Sứa tươi sau khi được khai thác sẽ được sơ chế và xử lý để đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu tách collagen. Để so sánh hiệu quả thực sự giữa các công nghệ khác nhau, nhóm đề tài tiến hành đồng thời nhiều hướng ứng dụng công nghệ: ứng dụng công nghệ hoá học truyền thống, sử dụng công nghệ đơn enzyme và công nghệ đa enzyme
Kết quả cho thấy, hiệu suất tách chiết collagen của công nghệ đơn enzyme cao hơn cả. Khi thử nghiệm ứng dụng đơn enzyme pepsin nồng độ 0,1% cho hiệu quả tách chiết trung bình 10,11%, trong khi phương pháp hoá học truyền thống chỉ đạt từ 6-7%. Thời gian ứng dụng công nghệ cũng rút ngắn từ 5 ngày (phương pháp hoá học) xuống còn 24 giời (phương pháp enzyme). Xét về khả năng ứng dụng, hiệu quả kinh tế, phương pháp đơn enzyme pepsin cũng chứng tỏ nhiều ưu thế hơn.
Trên cơ sở này, nhóm tiến hành bước tiếp theo là nghiên cứu kết tủa và đông khô sản phẩm collagen; đồng thời tiến hành xây dựng quy trình công nghệ để sản xuất thử nghiệm collagen trên quy mô 1000 kg nguyên liệu/mẻ.
Được biết, tại Việt Nam hiện chỉ có Công ty Vĩnh Hoàn và Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) có nhà máy chiết xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Chiết xuất collagen từ sứa biển hiện chưa có đơn vị nào. Đây là nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã ký hợp đồng với hai đơn vị sản xuất trong nước để sản xuất thử nghiệm collagen dạng bột có độ tinh khiết trên 80% và dạng viên với hàm lượng 200 mg, nhằm đánh giá hiệu quả thu hồi collagen từ các quy trình công nghệ khác nhau, từ đó tìm ra phương án sản xuất tối ưu trên quy mô công nghiệp.
Qua tính toán, việc áp dụng quy trình sản xuất collagen từ sứa biển sẽ đem lại giá trị lợi nhuận rất cao, góp phần nâng cao tỷ lệ các sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế các sản phẩm chế biến thô, đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kết quả của đề tài mở ra hướng đi mới trong tận dụng tài nguyên thủy hải sản của Việt Nam, giúp cho cơ sở sản xuất (các doanh nghiệp chế biến thủy sản…) tiếp cận được công nghệ và thiết bị mới, mở rộng sản xuất. Đồng thời, góp phần nâng cao giá trị cho nguồn lợi Sứa, đa dạng hóa các mặt hàng chế biến, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Phong Vũ