Thứ ba, 19/07/2022 15:38

Hậu Giang: Ứng dụng hiệu quả KH&CN trong chuyển đổi số

Nhiều kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, giúp đẩy nhanh quá trình số hóa lĩnh vực này. Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp” vừa được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dưới sự bảo trợ của UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức đầu tháng 7/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang.

Lợi thế để phát triển nông nghiệp

Hậu Giang là tỉnh trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích tự nhiên là 162.223 ha (chiếm 3,95% diện tích toàn vùng ĐBSCL), với hơn 140.000 ha đất nông nghiệp (chiếm 86,58%); trong đó có khoảng 82.000 ha sản xuất lúa, hơn 41.000 ha trồng cây ăn trái, khoảng 8.000 ha nuôi thủy sản. Với mục tiêu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thời gian qua, Hậu Giang đã triển khai nhiều chương trình, đề án để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, như: đề án cơ giới hóa, đề án phát triển trạm bơm điện, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030… Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, củng cố, nâng cấp hợp tác xã, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, Hậu Giang đã tập trung đầu tư xây dựng 15 hợp tác xã và 3 liên minh hợp tác xã phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Bên cạnh đó, Hậu Giang còn lựa chọn cây trồng, vật nuôi đặc trưng như: cây khóm, mãng cầu và phát triển 5 mặt hàng nông sản chủ lực (lúa, mít, chanh không hạt, cá thác lác và lươn).

Ông Võ Xuân Tân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, nhờ áp dụng các thành tựu của KH&CN hiện đại phục vụ sản xuất, lĩnh vực nông nghiệp đã có sự đổi thay hiệu quả, đáp ứng xu thế chuyển đổi số. Điển hình như: ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản: cuối năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” tại địa chỉ: https://nongsanhaugiang.com.vn nhằm phục vụ chính nông dân Hậu Giang, giúp nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Các tổ chức, cá nhân có thể tự đăng ký tài khoản, ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR-Code; đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá, tăng cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp thu mua sản phẩm... Đến nay, đã có trên 2.000 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng với trên 320 sản phẩm nông sản tham gia trên sàn, góp phần giải quyết đầu ra nông sản của nông dân.

Mô hình phát triển tổ cung ứng dịch vụ máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (drone) trong nông nghiệp, góp phần giải quyết bài toán lao động trong nông nghiệp ngày càng khan hiếm, giá nhân công lao động tăng cao… Một số nơi thiếu nhân công lao động trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng bằng máy bay phun thuốc trên cây lúa là một giải pháp vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất và mang lại hiệu quả cao… Ngành nông nghiệp Hậu Giang đã được phía đối tác Hàn Quốc hỗ trợ 10 máy bay phun thuốc, giúp đào tạo chuên gia vận hành. Do đó, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã đưa máy bay phun thuốc vào phục vụ nông dân. Hình thức thực hiện thông qua thành lập tổ phun thuốc dịch vụ bằng máy bay theo nhu cầu của nông dân, đã phun trình diễn và dịch vụ trên 1.000 ha.

Mới đây nhất, Hậu Giang đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang (IOC), ứng dụng di động Hậu Giang (HauGiang App) và một số phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Trong lĩnh vực nông nghiệp, App Hậu Giang đã bước đầu đưa các thông tin: thị trường nông sản, khí tượng nông nghiệp, giám sát môi trường nước mặt…

Xu thế chung trong sự phát triển

Ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyển thông tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế chung trong sự phát triển, bất cứ địa phương nào muốn tạo sự đột phá thì phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có chuyển đổi số. Với tỉnh Hậu Giang, muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững không thể đứng ngoài xu thế này. Do đó, trong những năm tới đây, chuyển đổi số chính là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh Hậu Giang với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Giang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, bắt nhịp với xu hướng công nghệ số, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện ứng dụng công nghệ số cho nhiều lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, đơn vị chuẩn bị triển khai hệ thống thông tin nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng WebGIS. Đây là hệ thống thông tin nông nghiệp trực tuyến dưới dạng mã nguồn mở nên có thể truy xuất các bản đồ, biểu đồ kết hợp những thông tin phù hợp với từng yêu cầu của người dùng. Những thông tin này được người dân và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh cung cấp. Ngoài ra, ngành kiểm lâm tỉnh cũng đang triển khai phần mềm QGIS phiên bản 3.06 để theo dõi, cập nhật tình trạng của rừng hàng tháng, quý và năm; ngành thủy lợi lắp đặt 10 trạm quan trắc để đo độ mặn tự động; ngành thủy sản ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin sản xuất và tiêu thụ cá tra, cũng như phần mềm VAHIS và hệ thống báo cáo dịch bệnh trên thủy sản; ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng...

Định hướng thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ bản bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành; trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Hậu Giang và các sản phẩm OCOP; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi... Đặc biệt, để thực hiện chuyển đổi số, tỉnh cần thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân về ứng dụng chuyển đổi số; xây dựng bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử; xây dựng các thiết bị thông minh, nâng cấp các trạm đo chất lượng nguồn nước, lắp đặt bẫy đèn thông minh, hệ thống camera giám sát an toàn thực phẩm…

Để việc chuyển đổi số thành công trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hậu Giang cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề thay đổi nhận thức của cán bộ ngành về tầm quan trọng của việc “chuyển đổi số - kinh tế số”, xem đây là nội dung cơ bản để tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các ứng dụng phần mềm chuyển đổi số ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 4/2/2020 của HĐND tỉnh Hậu Giang về việc thông qua Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực và đề ra các chính sách cụ thể phục vụ cho việc chuyển đổi số. Đối với nông dân, cần tăng cường tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới, các ứng dụng phầm mềm trên điện thoại thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân cần đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nông sản, sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp để giảm giá thành sản xuất…

An Nhiên

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)