Xu thế tất yếu
Tương tự như nhiều ngành nghề kinh tế khác, nông nghiệp cũng không nằm ngoài vòng chuyển đổi số. Tại Việt Nam, giá trị cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay là đưa được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp như IoT và cảm biến trên cánh đồng, học máy và phân tích, canh tác và robotics, máy bay không người lái giám sát cây trồng… đã góp phần gia tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp được đẩy mạnh như hình thành hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê phân tích, dự báo, giúp công tác quản lý ngành ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chuyển đổi số góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững
TS Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ cho biết, theo Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Bám sát chủ trương này, thời gian qua, Sở KH&CN TP Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học… đề ra nhiều mô hình hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ðiển hình như dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ”; dự án “Xây dựng DNA mã vạch cây dâu Hạ Châu của TP Cần Thơ”; dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu số về nguồn tài nguyên thực vật hữu ích trên địa bàn thành phố”; Dự án “Kết nối thông tin phục vụ công tác quản trị sản xuất, tiêu thụ nông sản Cần Thơ”…
TS Trương Minh Thái - Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết thêm, việc ứng dụng thành tựu của KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin trong chuyển đổi số trong nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua đã gặt hái những thành công nhất định. Bên cạnh việc nghiên cứu và phát triển hệ thống công nghệ, thiết bị hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chúng ta cần xây dựng một hệ thống thông tin hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin giữa nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý, cụ thể, Trường Đại học Cần Thơ đã xây dựng Diễn đàn Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, bước đầu kết hợp với Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung - CSIRO (Úc) xây dựng dự án “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (MAIC)”.
Ngoài ra, các nghiên cứu về chọn giống, xây dựng mô hình canh tác, thu hoạch, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trong sản xuất, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất mang lại nhiều lợi ích và làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm. Với tình hình nghiên cứu và phát triển như thời gian qua, vấn đề cấp thiết hiện nay là xây dựng một mô hình mẫu, chuẩn nhằm giúp theo dõi các chỉ số môi trường, quản lý hoạt động sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp công tác đánh giá chất lượng môi trường và cung cấp thông tin nhanh, hữu ích cho người sản xuất, nhà quản lý, nhà khoa học và người tiêu dùng.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho rằng, năm 2020, Cần Thơ đứng thứ 7/63 tỉnh, thành về Chỉ số xếp hạng chuyển đổi theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. Năm 2021, Cần Thơ xếp thứ 10/63 tỉnh, thành về chỉ số thương mại điện tử. Năm 2022, TP Cần Thơ chọn các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số bao gồm: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch. Ðây là các vấn đề cấp thiết của xã hội, thúc đẩy nghiên cứ và đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới cho TP.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hè cho rằng, để xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, về phía Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022, trong đó chú trọng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, UBND TP Cần Thơ cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số trong nông nghiệp, tiêu biểu là Kế hoạch số 98/KH-UBND, ngày 6/5/2022 về việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, trong đó đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các vùng sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp.
Cao Thị Ngọc