Thứ năm, 28/07/2022 16:11

Cục Sở hữu trí tuệ: 40 năm xây dựng và phát triển (Kỳ 2 - Hướng trọng tâm đến các hoạt động kinh tế trọng yếu của đất nước)

Các yêu cầu mới từ thực tiễn phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã góp phần mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động của Cục Sáng chế. Để phù hợp với tinh thần này, năm 2003, Cục Sáng chế đã được đổi tên thành Cục Sở hữu công nghiệp (SHCN), thông qua đó hướng trọng tâm đến các hoạt động kinh tế trọng yếu của đất nước.

Những quyết định đúng đắn ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đem lại một diện mạo mới cho nền kinh tế, đó là đạt mức tăng trưởng khá cao, liên tục và tương đối toàn diện. Điều đáng chú ý là, những hoạt động kinh tế mới đã bắt đầu xuất hiện: cơ cấu kinh tế theo ngành và vùng đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa như công nghiệp và xây dựng tăng từ 22,6 lên 29,1%, dịch vụ từ 38,6 lên 41,9%; các khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng. Song song với sự dịch chuyển này là sự hình thành của nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu, và các liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài... Mặc dù có nhiều khởi sắc với những đổi mới về tư duy kinh tế nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại mà sự phát triển ban đầu của một nền kinh tế đang dịch chuyển vẫn chưa giải quyết hết được như: hệ thống cơ sở vật chất, nhất là kết cấu hạ tầng, còn lạc hậu; trình độ khoa học và công nghệ còn khiêm tốn; nguồn nhân lực có kiến thức, tay nghề, năng lực còn ít, năng suất lao động xã hội tăng chậm... Tất cả những điều đó đã đặt ra cho nền kinh tế một yêu cầu mới, đó là gia tăng giá trị tri thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà cốt lõi là phát triển tài sản trí tuệ và lấy đó làm một trong số những hạt nhân thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh tế.

Tổ chức lại công việc chuyên môn, hướng trọng tâm đến các hoạt động kinh tế

Với mục tiêu hỗ trợ và đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ quyền SHCN phục vụ trực tiếp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Cục Sáng chế đã được đổi tên thành Cục SHCN vào năm 1993. Kể từ đây, Cục đã đảm trách thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới nhằm thực hiện tốt các quy định của Pháp lệnh Bảo hộ quyền SHCN. Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về SHCN và hoạt động sáng kiến, Cục đã kiện toàn và tổ chức lại công việc chuyên môn, khắc phục tình trạng làm việc phân tán, xây dựng lại các quy trình tiếp nhận và xử lý đơn một cách thống nhất và khoa học. Các quy chế về thẩm định đơn SHCN cũng như các thủ tục liên quan đã được Cục ban hành và đem lại sự chuẩn hóa trong quy trình nghiệp vụ. Đây là một quyết định đúng đắn và đem lại hiệu quả cao rõ rệt. Trong giai đoạn này, Cục chứng kiến số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN tăng nhiều so với giai đoạn trước, đặc biệt là đơn nhãn hiệu. Cụ thể: trong giai đoạn 1993-2003, Cục đã tiếp nhận: 10.379 đơn đăng ký sáng chế (Việt Nam có 405 đơn) và cấp 3.861 Bằng độc quyền sáng chế (Việt Nam có 73). Giai đoạn này ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng đơn sáng chế được tiếp nhận và xử lý so với giai đoạn trước năm 1993, trong đó lượng đơn sáng chế nộp theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT) chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số đơn nộp vào Việt Nam; 61.003 đơn đăng ký nhãn hiệu (Việt Nam có 33.335) và cấp 40.869 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Việt Nam có 19.929).

Trong giai đoạn này có dấu mốc đáng nhớ là việc Cục cấp Bằng độc quyền sáng chế số 100 về nguyên vật liệu sản xuất vật liệu cách nhiệt diatomit và phương pháp sản xuất vật liệu này. Với xã hội, đó là con số tròn trĩnh phân định một bước phát triển mới về sau đó nhưng với những người làm ở Cục, đó là một kết quả ghi nhận của cả một tiến trình tuyên truyền, khuyến khích các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà sáng chế không chuyên nỗ lực nghiên cứu, đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm tới thị trường và phát huy những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thành những giải pháp công nghệ, có thể góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn sản xuất đặt ra.

Những chuyển động của một nền kinh tế đang lên và một thị trường tiềm năng như Việt Nam đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Chính việc đặt niềm tin vào thị trường và mặt khác là niềm tin vào một đơn vị quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT), dù tuổi đời chưa thể so với các đơn vị đồng cấp các nước đã đưa các doanh nghiệp nước ngoài đến nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở Cục. Vì vậy trong giai đoạn này, số đơn đăng ký của người nước ngoài và số văn bằng bảo hộ cấp cho người nước ngoài chiếm tỷ lệ khá lớn (trên dưới 50%) trong tổng số đơn đăng ký mà Cục đã tiếp nhận và số văn bằng bảo hộ đã cấp. Đó là các doanh nghiệp đã, đang hoặc sẽ đầu tư dài hạn vào Việt Nam như Unilever (Hà Lan) với gần 700 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ…

Đặt nền móng cho hành lang pháp lý bảo hộ quyền SHCN

Việc xây dựng thể chế trong giai đoạn đầu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra một cơ chế bảo hộ cụ thể, thúc đẩy các hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHCN gia tăng nhanh chóng. Có thể coi đây là những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khi Việt Nam chuẩn bị bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chính thức đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự ra đời của một văn bản quan trọng nữa là Bộ luật Dân sự được thông qua ngày 28/10/1995 với Phần thứ sáu quy định về quyền SHTT và chuyển giao công nghệ, trong đó có Chương II về quyền SHCN. Cụ thể, Chương II về quyền SHCN gồm 26 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản nhằm xác lập và bảo hộ quyền SHCN, là cơ sở pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất để triển khai toàn diện hoạt động SHCN, tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử bảo hộ quyền SHCN ở Việt Nam. Ý nghĩa quan trọng nhất của việc đưa vấn đề quyền SHTT vào Bộ luật Dân sự là ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, quyền SHTT được Nhà nước thừa nhận như một loại quyền dân sự, khẳng định những nguyên tắc dân sự cơ bản của quyền SHTT và được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội quy định.

Từng bước hội nhập với thế giới và khu vực

Trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh chóng, quan hệ kinh tế - thương mại với các nước ngày càng được mở rộng đã đặt ra nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết trong hoạt động SHTT. Sau hơn một thập niên vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống SHTT của Việt Nam còn nhiều điểm chưa tương thích và phù hợp với hệ thống SHTT trên thế giới. Tiếp theo việc gia nhập ASEAN, Việt Nam cũng xúc tiến chuẩn bị cho việc tham gia Khối mậu dịch tự do (AFTA), Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từng bước tham gia các hoạt động của Hệ thống toàn cầu về ưu đãi thương mại với các nước đang phát triển (GSTP), áp dụng các chuẩn mực thương mại quốc tế và lựa chọn tham gia một số hiệp hội xuất khẩu quốc tế về từng mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHCN trong nước và từng bước thiết lập việc đàm phán các nội dung về SHTT để gia nhập WTO có vai trò rất quan trọng. Để đàm phán và được công nhận là thành viên chính thức của WTO, các cơ quan nhà nước đã phải chuẩn bị rất nhiều nội dung, trong đó hoàn thiện pháp luật SHTT là một trong số những yêu cầu mạnh mẽ nhất từ tổ chức này. Bối cảnh mới đã đặt ra bài toán mới cho Cục, đó là nỗ lực hội nhập quốc tế đối với các hoạt động chuyên môn và các quy định về SHTT để tạo hành lang pháp lý và các điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam tự tin gia nhập thị trường quốc tế. Trong giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với WIPO và nối lại quan hệ hợp tác bị gián đoạn với các nước Đông Âu do biến động chính trị ở Liên Xô, Cục đã nhanh chóng thiết lập và mở rộng một loạt quan hệ hợp tác song phương và đa phương mới với nhiều cơ quan SHCN các nước Tây Âu, ASEAN, Đông Bắc Á và Australia. Đặc biệt, theo yêu cầu của Chính phủ, từ năm 1996, Cục bắt đầu tham gia đàm phán về những vấn đề liên quan đến SHTT để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Sau 4 năm đàm phán, Hiệp định này được ký kết vào tháng 7/2000, trong đó có một chương về SHTT. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc khai thác và xử lý các tài sản trí tuệ có liên quan giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của hai nước.

Chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ Cục xây dựng hệ thống quản trị đơn IPAS.

Kết quả rõ nét nhất của các hoạt động hợp tác quốc tế sau 20 năm kể từ khi thành lập là Cục đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của các nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời trở thành đối tác đáng tin cậy, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Vai trò và uy tín quốc tế của Cục được nâng lên đáng kể, tạo tiền đề cho những quan hệ hợp tác sâu rộng của Cục nói riêng và Việt Nam nói chung trong giai đoạn tiếp theo.

CM

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)