Thứ tư, 17/08/2022 17:18

Chế phẩm cao chiết hỗ trợ tăng cường trí nhớ

Mới đây, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho “Quy trình sản xuất chế phẩm cao chiết hỗ trợ tăng cường trí nhớ và chế phẩm cao chiết thu được từ quy trình này”. Quy trình sản xuất chế phẩm cao chiết hỗ trợ tăng cường trí nhớ bao gồm các bước: i) chuẩn bị nguyên liệu cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa Libosch), và cây Thông đất (Huperzia squarrosa (G. Forst) Trevis), sau đó phơi khô, nghiền nhỏ thu được bột nguyên liệu; ii) tạo hỗn hợp bột nguyên liệu bằng cách trộn các bột nguyên liệu từ cây Đan sâm, Địa hoàng và Thông đất theo tỷ lệ khối lượng hợp lý thu được hỗn hợp bột nguyên liệu; iii) chiết hỗn hợp bột nguyên liệu bằng nước; và iv) chưng cất tạo chế phẩm cao chiết.

Bệnh suy giảm trí nhớ và nguyên nhân

Suy giảm trí nhớ và rối loạn thần kinh có đặc điểm là các tế bào thần kinh và các mô trong não bị tổn thương. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sa sút trí tuệ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 trên toàn cầu. Trên thế giới năm 2021 đã có 55 triệu người mắc, dự báo đến năm 2050 là 139 triệu người, số ca bệnh sa sút trí tuệ mới là 3 ca/1 giây. Ngoài ra, theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), năm 2019, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Tỷ lệ sa sút trí tuệ thống kê được khoảng 5% dân số trên 60 tuổi và tăng dần theo tuổi. Tỷ lệ người già ở Việt Nam dẫn tới số lượng bệnh nhân suy giảm trí nhớ và rối loạn thần kinh ngày càng tăng theo.

Nguyên nhân suy giảm trí nhớ và rối loạn thần kinh do có sự tích tụ các mảng xơ amyloit beta và các đám xơ rối protein tau. Một trong những thay đổi sinh hóa đáng chú ý nhất ở bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ là sự suy giảm nồng độ Axetylcholin (ACh) trong vùng dưới đồi và vỏ não. Bởi vậy, các chất ức chế enzym axetylcholinesteraza (AChE), một enzym có chức năng thủy phân chất dẫn truyền thần kinh tại các synap thần kinh cholinergic đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị suy giảm trí nhớ và rối loạn thần kinh. Ngoài ra, sự gia tăng quá mức các gốc tự do trong não gây ra hiện tượng “stress oxy hóa” được cho là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh suy giảm trí nhớ và rối loạn thần kinh. Hiện nay, các thuốc tân dược có nguồn gốc hóa học tổng hợp là những thuốc được sử dụng trong điều trị suy giảm trí nhớ, nhưng có rất nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, giảm cân, đau bụng, táo bón. Vì vậy, việc sử dụng các dược liệu vừa có hoạt tính chống oxy hóa vừa có khả năng ức chế enzym AChE để phòng và điều trị bệnh suy giảm trí nhớ, rối loạn thần kinh thu hút sự quan tâm của nhiều công ty dược phẩm, do có ít tác dụng không mong muốn và giảm được chi phí điều trị. Việc kết hợp các dược liệu trong một chế phẩm sẽ phát huy được tác dụng tốt hơn từng thành phần dược liệu riêng biệt.

Lần đầu tiên kết hợp 3 thành phần dược liệu từ cây Đan sâm, Địa hoàng và Thông đất

Nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tìm ra công thức kết hợp tối ưu để phát huy được tác dụng hiệp đồng của các thành phần dược liệu từ cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa Libosch), và cây Thông đất (Huperzia squarrosa (G. Forst) Trevis), trong đó việc kết hợp 3 thành phần dược liệu từ cây Đan sâm, Địa hoàng và Thông đất theo tỷ lệ khối lượng hợp lý vào trong chế phẩm cao chiết làm cho chế phẩm cao chiết tạo ra có hiệu quả điều trị cao hơn so với từng phần dược liệu riêng rẽ. Đây cũng là sự kết hợp lần đầu tiên của 3 dược liệu này được nghiên cứu.

Rễ Đan sâm được sử dụng để điều trị các bệnh như mất ngủ, suy nhược thần kinh, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, thiếu máu, viêm gan, xơ gan.

Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) thuộc họ Lamiaceae, hay còn được gọi là Huyết sâm, Xích sâm là cây thân cỏ, sống lâu năm, được phân bố rộng rãi ở miền Bắc Trung Quốc và Nhật Bản. Đan sâm là một loại cây thuốc quý. Trong y học cổ truyền, rễ Đan sâm được sử dụng để điều trị các bệnh như mất ngủ, suy nhược thần kinh, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, thiếu máu, viêm gan, xơ gan, suy thận mạn tính, tiểu đường và các biến chứng của tiểu đường. Các hoạt chất có hoạt tính sinh học quan trọng của Đan sâm bao gồm các hợp chất diterpen thuộc nhóm “tanshinon”, trong đó các hợp chất quan trọng là tanshinon IIA, cryptotanshinon và axit salvianolic A. Các hợp chất này gần đây được chứng minh có tác dụng bảo vệ thần kinh, đặc biệt là điều trị bệnh Alzheimer, như chống kết tập các mảng protein amyloit beta, ức chế AChE, chống viêm, chống oxy hóa.

Địa hoàng hay sinh địa, có tên khoa học là Rehmannia glutinosa Libosch, là một loài thực vật thuộc chi Địa hoàng, họ Cỏ chổi (Orobanchaceae). Trong Đông y, Địa hoàng là một cây thuốc. Rễ củ dùng làm thuốc. Địa hoàng là cây bản địa của Trung Quốc. Tại Việt Nam, loài này được trồng ở một số tỉnh phía Bắc. Trong rễ cây địa hoàng có các hoạt chất như iridoit, glycosit, cyclopentanoit monoterpen, và norcarotenoit. Địa hoàng có nhiều tác dụng dược lý như tác dụng kháng viêm, hạ đường huyết, cường tim, hạ áp, cầm máu, bảo vệ gan, lợi tiểu, chống nấm, có tác dụng ức chế miễn dịch kiểu corticoit nhưng không làm ức chế hoặc teo vỏ tuyến thượng thận.

Thông đất, có tên khoa học là Huperzia squarrosa (G. Forst) Trevis, có hình dáng rất giống với cây thông. Theo Đông y cây thông đất có vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng khu phong, trừ thấp, trấn thái, lợi niệu. Cây Thông đất được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh như: viêm gan cấp tính, phong thấp, đau nhức xương khớp, ho mạn tính, ra mồ hôi trộm, mắt xưng đỏ, quáng gà, phụ nữ có dấu hiệu đẻ non, cải thiện trí nhớ và giảm các rối loạn não. Thành phần hóa học chủ yếu có tác dụng của Thông đất là alkaloit, triterpenoit và flavonoit, trong đó nhiều alkaloit phân lập được từ dược liệu này đã được chứng minh là có tác dụng ức chế enzym axetylcholinesteraza (AChE) - một enzym có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh Alzheimer trên mô hình in vitro. Trong cây Thông đất còn có chứa hoạt chất có tên là Huperzin A, có tác dụng dẫn truyền xung thần kinh, ngăn chặn các mảng bám rối loạn trong não, giúp hỗ trợ điều trị bệnh suy giảm trí nhớ, đột quỵ, đã được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm của Mỹ phê duyệt làm thuốc điều trị bệnh Alzheimer.

Chế phẩm cao chiết của các cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), Địa hoàng (Rehmannia glutinosa Libosch) và Thông đất (Huperzia squarrosa (G. Forst) Trevis) đã thể hiện tác dụng hỗ trợ tăng cường trí nhớ trên mô hình động vật do scopolamin gây suy giảm trí ở chuột nhắt trắng. Tác dụng tăng cường trí nhớ thể hiện thông qua khả năng có tác dụng chống oxy hóa, có khả năng ức chế enzym AChE, làm cải thiện các chỉ số đánh giá trí nhớ hành vi trong thử nghiệm hành vi trên mô hình mê lộ nước Morris, ức chế peroxy hoá lipit trên thể đồng nhất não chuột. Ngoài ra, chế phẩm cao chiết không thể hiện độc tính. Do đó, giải pháp hữu ích của nhóm nghiên cứu đã tạo ra được chế phẩm cao chiết có hiệu quả hỗ trợ tăng cường trí nhớ và an toàn khi sử dụng.

Bùi Thanh Tùng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)