Thứ hai, 22/08/2022 08:15

Chế độ ăn uống khoa học cho bệnh nhân mắc bệnh thận

Võ Thị Cẩm Vân

Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh

Như chúng ta thấy, chế độ ăn uống khoa học, hợp lý với đặc điểm thực trạng sức khỏe của mình là yếu tố hàng đầu tác động đến chất lượng sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người. Bài viết sẽ đề cập đến chế độ ăn uống cho những người có nguy cơ bệnh thận hoặc đã bị bệnh thận. Những người này thường được các bác sỹ khuyên nên tránh ăn một số loại thực phẩm nhất định để kéo dài tuổi thọ của quả thận. Với những người đã bị bệnh thận hoặc có nguy cơ bị bệnh thận cao như người mắc bệnh tiểu đường, thường được các bác sỹ khuyên nên ăn hạn chế muối, Kali, Photpho và tinh bột. Đây là những chất về lâu dài có thể khiến bệnh thận trở nặng nhưng mặt khác đây lại là những chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể và có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm mà mọi người ăn hằng ngày. Vì vậy, cần hiểu rõ bản chất của việc ăn uống để mỗi người, đặc biệt là người đã hoặc có nguy cơ mắc bệnh thận chủ động lựa chọn một chế độ ăn phù hợp với điều kiện sức khỏe và tình trạng của bản thân.

Bệnh thận kiêng ăn những gì ?

Một trong những thành phần đầu tiên ở thực phẩm mà các bác sỹ thường khuyên mọi người, nhất là người có nguy cơ bị bệnh thận nên hạn chế chính là muối ăn. Theo Bác sỹ Rainer Oberbauer, người đã tham gia một nghiên cứu gần đây về chế độ ăn cho người có nguy cơ bị bệnh thận do tiểu đường (thuộc Trường Đại học Y Vienna, Áo) cho biết, một chế độ ăn khoa học và hợp lý về muối nói riêng không những quyết định chất lượng sức khỏe của con người nói chung mà còn có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh thận nói riêng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người khỏe mạnh không nên ăn quá 5 g muối/ngày để tránh nguy cơ cao huyết áp. Đối với những người bị bệnh thận và tiểu đường, quy định về muối trong khẩu phần ăn hằng ngày lại càng chặt chẽ hơn. Nhưng mặt khác, muối còn là thành phần quan trọng trong cơ thể giúp điều hòa huyết áp. Vậy nên kiêng muối sao cho hợp lý mà không nên kiêng thái quá. Ở những người bị bệnh thận hoặc có nguy cơ bị bệnh thận, việc ăn muối nhiều có thể làm hại thận vì thận không thể loại bỏ được lượng muối thừa trong cơ thể. Muối và chất lỏng tích lũy trong các tế bào và mạch máu sẽ làm cho huyết áp tăng và dẫn đến hại thận, làm hỏng chức năng thận.

Vì vậy, những người bị thận hay tiểu đường thường được khuyên phải theo dõi huyết áp thường xuyên và nói chuyện với bác sỹ, chuyên gia về dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn của mình thường xuyên và do đó phần nhiều những bệnh nhân này được khuyên tuân thủ một chế độ ăn có thành phần muối phải thấp hơn mức của những người khỏe mạnh bình thường.

Cần chú ý đến các thành phần Kali, Photpho và tinh bột trong thực phẩm hằng ngày

Người bị bệnh thận kinh niên còn phải chú ý đến chất Kali trong thực phẩm. Đây là một chất cũng rất cần thiết cho cơ thể con người ở những người khỏe mạnh bình thường, việc ăn đủ Kali và giảm muối giúp kiểm soát tốt nguy cơ các bệnh về tim mạch. Kali có tác dụng bảo vệ mạch máu, giúp thành mạch máu không bị dày lên. Một người lớn khỏe mạnh bình thường hấp thụ khoảng 4.700 mg kali/ngày. Những thực phẩm có nhiều Kali bao gồm chuối, khoai lang, các loại đậu, nước ép cà rốt, những thực phẩm khô. Ở những người bị bệnh thận, việc ăn thực phẩm có nhiều Kali lại không có lợi. Bác sỹ Jhone Martin, người có phòng mạch tư tại Vancouver, Canada cho biết, những đồ khô làm gia tăng chất Kali lên những bệnh nhân bị suy thận mạn tính, từ đó, các bác sỹ thường cấm ăn đồ khô như măng khô, cá khô… vì nó làm tăng hàm lượng Kali, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Thận có vai trò lọc Kali thừa trong máu nhưng khi thận yếu, tác dụng này của thận sẽ hạn chế và do đó cơ thể sẽ bị tích lũy Kali. Những người bị tích lũy Kali trong máu quá cao sẽ có những dấu hiệu như buồn nôn, yếu mệt, tê, mạch chậm. Những người bị bệnh thận vì vậy cũng được khuyên nên thường xuyên nói chuyện với bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng để kiểm tra mức độ Kali trong máu và qua đó, điều chỉnh hàm lượng Kali ăn vào hằng ngày.

Một chất khác cũng rất quan trọng trong cơ thể của con người là Photpho. Đây là một chất hỗ trợ cho sự co cơ, điều hòa nhịp tim và giúp các tế bào thần kinh liên lạc với nhau. Photpho cũng giúp kiểm soát hàm lượng axit và kiềm trong máu để đảm bảo cho sự hoạt động của các chức năng trong cơ thể. Chất này có nhiều trong các thực phẩm như đậu, trứng, sữa, cá, và thịt. Thế nhưng những người bị bệnh thận cũng được khuyên là nên hạn chế ăn chất này.

Khi thận có vấn đề, Photpho thừa trong máu sẽ không được đào thải ra bên ngoài, điều này cũng dẫn đến tình trạng tích lũy phốt pho trong máu đến mức nguy hiểm cho cơ thể. Chúng làm mất canxi trong xương và tích lũy canxi cao trong mạch máu, phổi, mắt và tim, gây hại cho các bộ phận này. Vì vậy, người bị bệnh thận cũng được khuyên phải kiểm soát thành phần này một cách chặt chẽ trong chế độ ăn hằng ngày.

Các chế độ ăn được phân tích cụ thể trong các nghiên cứu được khuyên cho mọi người là chế độ ăn có nhiều rau quả, cá, các loại ngũ cốc không tinh chế và có nhiều chất xơ, ít ăn thịt đỏ, ít muối và ít đường tinh chế. Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Y - Vienna, Áo cho thấy, những người theo đuổi chế độ ăn như vậy có tỷ lệ tử vong thấp hơn 20-30% so với những người không theo đuổi chế độ ăn này. Đồng thời, việc ăn nhiều tinh bột, đường sẽ làm cho con người tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường lên gấp 3 lần.

Có thể nói, chế độ ăn khoa học và hợp lý luôn đóng vai trò hết sức quan trọng nếu không nói là quyết định đến chất lượng sức khỏe phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ cho mỗi con người.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)