Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp cho biết, hội thảo được tổ chức với mong muốn có thêm những thông tin, kiến thức để thúc đẩy tiêu chuẩn của Việt Nam đạt được đến trình độ quốc tế và có thể tham gia sâu rộng vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế. Góc nhìn về tiêu chuẩn cần đẩy lên một tầm nhìn mới, cần tăng thêm sự hấp dẫn, động lực kinh tế và việc tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế là một trong những lĩnh vực trọng tâm, là một trong những giải pháp mà chúng ta có khả năng thực hiện được nhất.
Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn Nguyễn Văn Khôi chia sẻ tại hội thảo.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn Nguyễn Văn Khôi chia sẻ, trong 60 năm qua hoạt động tiêu chuẩn trong nước đã có những bước tiến hoàn thiện, tuy nhiên hoạt động tham gia một cách thiết thực vào quốc tế vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia vào một số các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… trong đó, có 2 tổ chức nổi bật mà Việt Nam đại diện là ISO và IEC. Việt Nam chủ yếu tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thông qua các cuộc họp trực tuyến, góp ý và bỏ phiếu các dự thảo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam đã góp ý 230 tiêu chuẩn ISO, IEC; Năm 2021 góp ý 220 tiêu chuẩn ISO, IEC; năm 2022 góp ý 308 tiêu chuẩn ISO, IEC.
Cũng tại hội thảo, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam Phùng Mạnh Trường đã có những chia sẻ về thực trạng và giải pháp thúc đẩy việc tham gia và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế có những thuận lợi như tiêu chuẩn quốc gia xây dựng theo phương pháp ban kỹ thuật, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của ISO/IEC, bên cạnh đó, thành viên ban kỹ thuật đều được đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa, trong đó có xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; nhiều thành viên trực tiếp tham gia các cuộc họp, góp ý tiêu chuẩn quốc tế, ngoài ra việc tham gia thành viên tại ISO và IEC tạo thuận lợi cho cập nhật thông tin, định hướng đầu vào cho kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy việc tham gia và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam, Phó Viện trưởng phụ trách đề nghị:
Thứ nhất, cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật (TCQCKT) và xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa cần chú trọng đến các vấn đề sau: tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực, tham gia vào các hoạt động ban kỹ thuật và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế gắn kết với định hướng chiến lược của quốc gia, của các bộ, ngành và địa phương; có cơ chế và quy định cụ thể về tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực, tham gia vào các hoạt động ban kỹ thuật và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và ngoại ngữ, nhất là cho đội ngũ trưởng ban, thư ký ban kỹ thuật…
Thứ hai, xây dựng đề án thúc đẩy đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quốc tế giai đoạn đến năm 2035: đề xuất 1 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về găng tay cao su y tế sử dụng 1 lần không protein thuộc ban kỹ thuật ISO/TC 45 Cao su và sản phẩm cao su (giai đoạn 2023-2025); đề xuất 3-5 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào nông thủy sản, thực phẩm; cao su và sản phẩm cao su (cả xây dựng mới và soát xét); thủ công mỹ nghệ (mây, tre, gỗ …); vật liệu dệt từ tre, gai… (giai đoạn: 2026-2035)
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cũng đã có những chia sẻ, giải đáp một số vướng mắc, khó khăn và đưa ra những định hướng cũng như giải pháp cho việc phát triển tiêu chuẩn quốc gia thành tiêu chuẩn quốc tế.
Hà My