Sản phẩm “xoài tứ quý Bến Tre” được thị trường trong nước ưa chuộng và tiêu dùng. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, “xoài tứ quý Bến Tre” được tiêu dùng dưới dạng quả xanh, trên 2/3 sản lượng “xoài tứ quý Bến Tre” được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và TP Hà Nội dưới dạng quả chín.
Xoài tứ quý Bến Tre.
Danh tiếng và chất lượng đặc thù của xoài tứ quý Bến Tre có được như vậy là nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch xoài của người dân địa phương. Khu vực địa lý trồng xoài tứ quý Bến Tre là vùng đất chạy song song với bờ biển và là nơi có địa hình cao hơn so với vùng đất phù sa xung quanh, nhờ vậy đây là vùng đất ít bị úng ngập. Nhóm đất chủ yếu tại khu vực địa lý là nhóm đất cát có thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng cát 60-70%, màu đất vàng sáng đến vàng sẫm, khả năng cung cấp nước cho cây xoài thấp. Điều này làm cho hàm lượng H2O trong quả xoài tứ quý Bến Tre thấp, thịt quả trở nên giòn khi xanh và chắc khi chín. Đất giồng cát ven biển bị nhiễm mặn (hàm lượng muối tan 0,009-0,022%) nên hàm lượng Sodium (Na) xuất hiện trong quả, vì vậy, thịt quả có vị mặn nhẹ.
Với những đặc thù nên trên, xoài tứ quý Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Các khu vực địa lý được bảo hộ gồm: các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh và Thạnh Hải thuộc huyện Thạnh Phú; các xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc và Bình Thới thuộc huyện Bình Đại; xã Tân Mỹ thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
CT