Chủ nhật, 23/04/2023 11:40

Ngày Trái đất: Chúng ta có thể làm gì để Trái đất tốt đẹp hơn?

Ngày Trái đất (22/04) là một sự kiện toàn cầu được tổ chức hàng năm nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với việc bảo vệ môi trường và khuyến khích những hành động ý nghĩa giúp Trái đất tốt đẹp hơn. Vậy Ngày Trái đất bắt nguồn từ đâu? Làm thế nào để mỗi cá nhân có thể tham gia một cách ý nghĩa vào ngày này?

 

Ngày Trái đất là gì?

Bạn đã bao giờ tự hỏi Ngày Trái đất bắt đầu như thế nào chưa? Ngày Trái đất đầu tiên được tổ chức vào ngày 22/04/1970, khi nhà hoạt động John McConnell và Thượng nghị sỹ Wisconsin Gaylord Nelson (Mỹ) đề nghị người dân tham gia vào một cuộc biểu tình nhằm lên tiếng đối với các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến nước uống độc hại, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng của thuốc trừ sâu. Thật ấn tượng khi cuộc biểu tình đã thu hút được 20 triệu người Mỹ tham gia - tương đương với 10% dân số Mỹ thời kỳ đó.  

Từ ảnh hưởng của cuộc biểu tình, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã chỉ đạo thành lập Cơ quan Bảo vệ môi trường, sau đó các luật về không khí sạch, nước sạch, bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng… đã được thông qua - những cơ chế pháp lý mà trước đó chưa từng tồn tại ở Mỹ. Đến năm 1990, Ngày Trái đất đã lan rộng ra toàn cầu và vào năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất của Liên hợp quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil. Năm 2009, Ngày Trái đất đã được Liên hợp quốc chính thức công nhận.

Ngày nay, Ngày Trái đất không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường mà còn trở thành thời điểm phổ biến để nhiều cộng đồng cùng nhau làm những việc có ý nghĩa như tắt đèn điện, thu dọn rác, trồng cây hoặc đơn giản lưu lại vẻ đẹp của thiên nhiên qua các bức ảnh/tranh vẽ…

Hãy cùng nhau hành động để hành tinh tốt đẹp hơn

Chủ đề của Ngày Trái đất năm nay là “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta” nhằm nhấn mạnh vào việc thu hút các cá nhân, chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp trên toàn thế giới bảo vệ hành tinh và “mở đường hướng tới một tương lai thịnh vượng”. Vậy mỗi cá nhân có thể làm điều gì để góp phần biến hành tinh của chúng ta thành một nơi tốt đẹp hơn để sinh sống? Hãy thử cùng suy nghĩ tới một số gợi ý sau:

Dọn dẹp nhựa trong khu dân cư hoặc công viên nơi bạn sống

Một trong những cách tốt nhất để kết nối với Trái đất là thông qua việc dọn dẹp. Bạn có thể đi dạo với một túi rác và thu gom bất kỳ loại nhựa nào mà bạn tìm thấy. Như bạn biết đấy, hành tinh của chúng ta đang ngập trong rác thải nhựa. Hãy cố gắng thu gom, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa một cách tối đa.

Trồng cây

Những cái cây sẽ giúp chúng ta thu giữ các bon, làm mát những nơi quá nóng, mang lại lợi ích cho nông nghiệp, hỗ trợ các loài thụ phấn, giảm nguy cơ lây truyền bệnh tật và thúc đẩy nền kinh tế địa phương… Bạn có biết rằng trồng một cây sồi sẽ mang lại nhiều loài côn trùng và chim chóc hơn cả một khoảnh sân nhỏ không? Hãy trao đổi với chính quyền địa phương nơi bạn ở về việc trồng thêm cây xanh và các loại hoa bản địa trong không gian công cộng hoặc xem xét việc trồng cây trên sân thượng hoặc ban công nhà bạn. Hãy lưu ý về việc chọn các giống cây bản địa nhé, nó không chỉ sinh trưởng tốt hơn mà còn có lợi cho việc kiểm soát dịch hại và thụ phấn.

Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và hạn chế sử dụng hóa chất trong khu vườn của bạn

Quan tâm đến bản thân và thiên nhiên cũng có nghĩa là ít lãng phí và tiết kiệm tiền hơn. Bạn hãy tái sử dụng, tái chế hoặc các chậu và khay nhựa cũ. Bạn cũng không cần hóa chất để loại bỏ các loài gây hại trong vườn, thay vào đó hãy trồng cây đồng hành - một biện pháp tự nhiên thu hút các loài thiên địch đến khu vườn của bạn, giúp bạn tiết kiệm tiền và cũng bảo vệ cây trồng của bạn. Hãy tự làm các loại phân hữu cơ từ các loại rác thải hữu cơ (vỏ rau củ quả, xác động vật chết, chất thải độc vật…) ngay trong khu vườn của bạn. Các phương pháp làm vườn và canh tác như không làm đất, trồng cây che phủ trái vụ và luân canh cây trồng (chăn thả gia súc) giúp giữ lại các chất hữu cơ trong đất.

Tiết kiệm nước

Để tiết kiệm nước, hãy tránh tưới quá nhiều cho cây và cải thiện sức khỏe của chúng bằng cách biết khu vườn của bạn thực sự cần bao nhiêu nước. Tránh tưới rau và cây trong vườn của bạn từ trên cao (dễ gây bệnh nấm) mà hãy tưới nước ngang mặt đất. Đối với các khu vườn, bồn hoa, cây cối và các khu vực không có bãi cỏ khác, hãy cân nhắc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc vòi có lỗ tưới để đưa nước thẳng vào đất, nơi bạn muốn. Nếu bạn phải sử dụng vòi phun nước, hãy hẹn giờ. Ngoài ra, bạn nên thu nước mưa từ mái nhà, máng xối bằng thùng chứa. Nếu bạn có vườn rộng với một khu vực trũng thấp, hãy xem xét việc trồng một khu vườn mưa để thu nước chảy, lọc các chất ô nhiễm và cung cấp thức ăn cũng như nơi trú ẩn cho bướm, chim chóc và các động vật hoang dã khác.

Những gợi ý trên không khó để thực hiện và nó nằm trong các hoạt động hàng ngày của bạn. Bằng việc ý thức từ những hành động nhỏ như vậy, chúng ta đang góp phần bảo vệ môi trường và làm cho Trái đất thân yêu của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

Xuân Quỳnh (tổng hợp)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)