Thực trạng chất lượng nước trên các con sông chảy qua Thái Bình
Tại Việt Nam, chất lượng nước ở hầu hết các con sông đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là các đoạn đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu công nghiệp. Nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải đang là vấn đề cấp bách đối với phần lớn các đô thị và nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước, các con sông chảy qua khu vực dân cư trong TP Thái Bình như sông Đoan Túc, Bạch, Bồ Xuyên, Vĩnh Trà đang bị ô nhiễm, gây bức xúc và ảnh hưởng đến các khu dân cư sinh sống gần sông.
Để xử lý vấn đề ô nhiễm nước sông trên địa bàn, TP Thái Bình đã đầu tư một hệ thống xử lý nước thải tập trung tại phường Trần Lãm theo công suất sinh học - AAO với công suất 10.000 m³/ngày đêm để thu gom xử lý nước thải cho 8 phường (Bồ Xuyên, Đề Thám, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Kỳ Bá, một phần của phường Tiền Phong và Trần Lãm). Trên thực tế, lượng nước sinh hoạt của người dân nội thành ước tính khoảng 40.000 m³/ngày đêm, tương đương 32.000 m³/ngày đêm nước thải cần xử lý (chiếm 80% lượng nước sinh hoạt). Vì vậy, công suất của nhà máy chưa đáp ứng được nhu cầu, nguồn nước tại sông Đoàn Túc, Bạch, Bồ Xuyên và Vĩnh Trà vẫn có hiện tượng bị ô nhiễm.
Hiện nay, việc quản lý các nguồn thải vào môi trường nước chủ yếu dựa vào việc kiểm soát chất lượng nước thải đầu ra mà không tính toán đến tổng thải lượng vào nguồn nước. Điều này đã dẫn đến hiện tượng nguồn nước thải đều bị ô nhiễm dù các nguồn thải đều xử lý đạt quy chuẩn. Đây là kết quả của tổng thời lượng quá lớn, vượt quá sức chịu tải của nguồn tiếp nhận. Mặt khác, việc xử lý các nguồn nước bị ô nhiễm hiện nay rất khó khăn do chi phí xử lý trực tiếp rất tốn kém, chưa có cơ chế giảm thải lượng vào nguồn tiếp nhận, chưa quản lý nguồn thải theo lượng. Thực tế, có một số nguồn nước đã bị ô nhiễm nhưng các dự án vẫn được cấp phép để xả thải. Do đó, việc điều tra, kiểm kê các nguồn thải, đánh giá thải lượng ô nhiễm và sức chịu tải của từng thủy vực đóng vai trò quan trọng. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng và tính toán các kịch bản thay đổi tải lượng ô nhiễm trong tương lai để đảm bảo khả năng chịu tải các sông.
Nhằm giúp tỉnh cũng như các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thực trạng ô nhiễm nước sông tại các khu công nghiệp lớn trên địa bàn, đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông. Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Bình đặt hàng với Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu thực trạng xây dựng mô hình xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường một số tuyến sông trên địa bàn TP Thái Bình”.
Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá đúng thực trạng nguồn thải và mức độ ô nhiễm môi trường tại các tuyến sông trên địa bàn TP Thái Bình, xác định khả năng chịu tải của các chất ô nhiễm trên các tuyến sông. Từ đó, đề xuất các giải pháp kỹ thuật và xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng các giải pháp để quản lý kiểm soát các nguồn thải trên một số tuyến sông trên địa bàn TP Thái Bình.
Qua thực hiện, đề tài đã hoàn thành các nội dung và đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể: nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã thu thập, xử lý thông tin dữ liệu hiện có phục vụ việc đánh giá chất lượng nước và khả năng chịu tải của một số sông nội đô (Bồ Xuyên, Bạch); khảo sát, đánh giá chất lượng nước sông, nước thải tại một số sông nội đô (Bồ Xuyên, Bạch), nghiên cứu, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải một số sông nội đô; đề xuất các giải pháp kỹ thuật quản lý nhằm kiểm soát các nguồn thải trên sông; xây dựng mô hình xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên sông.
Các kỹ thuật viên thực hiện việc lấy mấu nước sông Bồ Xuyên.
Sau khi thu thập thông tin xử lý dữ liệu về địa hình, đặc trưng khí hậu, đặc trưng thủy văn phục vụ đánh giá chất lượng nước và khả năng chịu tải của một số sông nội thành chủ yếu ở sông Bồ Xuyên, Bạch, Trà lý, Kiến Giang, nhóm nghiên cứu đã tập trung thu thập thông tin và dữ liệu về chất lượng nước các con sông nêu trên. Từ dữ liệu quan trắc môi trường của tỉnh Thái Bình và các dự án chương trình, đề tài liên quan trong 3 năm gần đây, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát chất lượng nước sông, nước thải tại các sông trên địa bàn TP Thái Bình thông qua việc lấy mẫu nước trong 2 mùa (mùa mưa và mùa khô).
Mô hình bè thủy sinh trên sông.
Khi có bảng số liệu về hiện trạng ô nhiễm của các nguồn thải vào sông Bồ Xuyên và sông Bạch trong mùa mưa và mùa khô; bảng số liệu về đặc trưng thuỷ văn tại một số vị trí quan trọng trên hai con sông này và kết quả đánh giá hiện trạng ô nhiễm nước sông, nước thải tại hai con sông, nhóm nghiên cứu đã triển khai việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của hai con sông.
Bên cạnh đó, đề tài cũng đưa ra được các thông số đánh giá sức chịu tải và tải lượng các chất ô nhiễm của các con sông; phương án tăng hoặc giảm sức chịu tải của sông Bồ Xuyên, sông Bạch; dự báo nguồn thải và tổng thời lượng ô nhiễm trong tương lai. Từ đó, xây dựng và tính toán các kịch bản thay đổi tải lượng ô nhiễm trong tương lai để đảm bảo khả năng chịu tải của sông Bạch và sông Bồ Xuyên.
Qua đó, đề tài đã xây dựng mô hình xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên sông Bồ Xuyên bằng việc lắp đặt thử nghiệm bốn mô hình bè thủy sinh trên sông Bồ Xuyên để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nước sông. Trong thời gian thử nghiệm, các chỉ tiêu như BOD5, COD có hàm lượng thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Hàm lượng NO2 giảm mạnh, xuống dưới ngưỡng giới hạn cho phép…, qua đó góp phần giảm thiểu, quản lý kiểm soát ô nhiễm trên sông Bồ Xuyên
Ngoài ra, để khắc phục hiện trạng ô nhiễm nước trên sông Bồ Xuyên, Bạch và một số con sông khác trên địa bàn TP Thái Bình, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị tỉnh Thái Bình cần triển khai các nhiệm vụ sau:
Một là, nâng công suất của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung hiệu quả, đáp ứng được lượng nước thải phát sinh khoảng 32.000m³/ngày đêm, đồng thời hoàn thiện việc đấu nối các cửa xả nhỏ trên các sông đối với hệ thống tuyến đường ống thu gom nước thải.
Hai là, giám sát chặt chẽ đối với việc cấp phép xây dựng công trình nhà ở dân dụng, chỉ cấp phép khi có cam kết xây dựng bể phốt thu gom và xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt với lưu lượng theo đúng quy định của Bộ Xây dựng.
Ba là, dựa trên kết quả tính toán sức chịu tải các chất ô nhiễm của sông Bồ Xuyên, Bạch để thực hiện cấp phép xả thải phù hợp, nhằm đảm bảo khả năng tiếp nhận của hai con sông nói trên; cần có thêm thời gian nghiên cứu đánh giá hiệu quả xử lý ô nhiễm của bè thủy sinh trên sông Bồ Xuyên, trên cơ sở đó sẽ triển khai nhân rộng mô hình bè thủy sinh trên các tuyến sông nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Có thể nói, kết quả của đề tài đã có tác động tích cực đối với công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý các sông trên địa bàn TP Thái Bình nói riêng. Đề tài đã góp phần quan trọng trong việc xử lý môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các kết quả của mô hình đề tài có thể được ứng dụng, nhân rộng nhằm hạn chế sự ô nhiễm môi trường của các sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng và hệ thống sông trên toàn quốc nói chung.