Thứ ba, 19/09/2023 10:32

Thị trường công nghệ thông tin của Việt Nam: Tương lai nhiều thách thức

Theo “Báo cáo thị trường công nghệ thông tin (IT) Việt Nam 2023” mới được TopDev (nền tảng tuyển dụng chuyên về IT) công bố, dự đoán giai đoạn 2023-2025, Việt Nam sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư mỗi năm. Báo cáo cho biết, trong số hơn 57.000 sinh viên IT tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn trong công việc thực tế mà doanh nghiệp yêu cầu, 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp từ 3-6 tháng để đạt hiệu quả công việc tương ứng.

Giữ được đà tăng trưởng

Trong số các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) là một trong những ngành mở rộng nhanh nhất ở Việt Nam (hình 1). Ngành này đã chứng kiến sự tăng trưởng tích cực trong 5 năm qua và đạt được những thành tựu đáng kể. Doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT-TT của Việt Nam trong 5 năm qua liên tục tăng trưởng cao, từ gần 103 tỷ USD năm 2018 lên hơn 124,67 tỷ USD năm 2020 và 136,15 tỷ USD năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2022 đạt khoảng 136 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021; xuất siêu hơn 26 tỷ USD.

Hình 1. Tốc độ tăng trưởng GDP và ngành CNTT-TT của Việt Nam (nguồn: TopDev).

Nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ đang tập trung xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ phù hợp. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thúc đẩy hệ sinh thái sản xuất chip, với mong muốn trở thành một trong những quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong khu vực. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất chip. Hiện tại, có khoảng 50 doanh nghiệp trong nước và hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế chip. Việc xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử sẽ giúp Việt Nam từng bước nâng cấp và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu.

Thách thức trong thời gian tới

Sự thiếu hụt nhân sự luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với thị trường CNTT-TT. Mặc dù mức lương và phúc lợi của ngành này vẫn giữ xu hướng tăng và có phần cao hơn so với mặt bằng chung. Dự đoán giai đoạn 2023-2025, Việt Nam sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư mỗi năm. Đa số các nhà tuyển dụng cho biết, họ hầu như luôn cần các lập trình viên Back-end, lập trình viên Full-stack và Front-end. Top 5 kỹ năng CNTT-TT hàng đầu mà các công ty đang tìm kiếm vẫn giữ nguyên như những năm trước là: Javascript, Java, PHP, C#/.Net & Python.

Theo các số liệu thống kê từ năm 2018-2023 (hình 2), nhu cầu nhân lực cho ngành IT tại Việt Nam vẫn đang tăng cao liên tục dù trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Dựa trên “Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2023” của TopDev, đến năm 2025 Việt Nam sẽ còn cần đến 700.000 nhân lực trong ngành IT. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 500.000 người.

Hình 2. Nhu cầu nhân lực ngành phần mềm của Việt Nam giai đoạn 2018-2025 (nguồn: TopDev).

Vấn đề đặt ra là, số lượng ngành học về IT ở các trường đại học đang mở rộng ngày càng nhiều cũng như số lượng cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này vẫn tăng cao qua mỗi năm, vậy tại sao vẫn có sự chênh lệch này? Sự thiếu hụt này chủ yếu là do trình độ của lập trình viên và yêu cầu doanh nghiệp đặt ra vẫn chưa thực sự cân bằng với nhau. Theo “Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2023”, trong số hơn 57.000 sinh viên IT tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra, 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3-6 tháng để đạt hiệu quả công việc tương ứng.

Nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực IT trong tương lai được đánh giá là vẫn tăng trưởng, tuy nhiên do sự thay đổi và ảnh hưởng của tình hình kinh tế suy thoái toàn cầu, hầu hết các doanh nghiệp IT đều gặp phải những khó khăn nhất định, do đó, dự đoán mức lương trong ngành này sẽ ngày càng có sự phân hóa rõ ràng hơn (hình 3, 4). Bên cạnh trình độ chuyên môn, các kỹ sư, lập trình viên cần trang bị thêm các kỹ năng mềm để tăng khả năng thích ứng và nhạy bén với mọi sự biến đổi. Đặc biệt, họ cần nâng cao kỹ năng công nghệ của bản thân với sự hiểu biết về các công nghệ mới và đột phá như Cybersecurity, DevOps, AI và Machine Learning, Cloud Computing... Chỉ có như vậy, họ mới có thể tự đứng vững trong một tương lai được đánh giá là nhiều biến động.

Hình 3. Sự dịch chuyển về yêu cầu trình độ chuyên môn trong ngành IT (nguồn: TopDev)

Hình 4. Phân bố lương lập trình viên theo các cấp độ: junior, middle và senior (nguồn: TopDev)

MN

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)