Đơn vị được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN chọn đứng tên sở hữu và quản lý nhãn hiệu tập thể gồm: Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hiệp, Long Hòa và Hợp tác xã thủy sản sinh thái Thạnh Phước.
Thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng Tam Hiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre Nguyễn Văn Vưng, việc công bố nhãn hiệu tập thể bước đầu khẳng định thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời là cơ hội tốt quảng bá sản phẩm nhãn, tôm Bình Đại.Tuy nhiên, vấn đề quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng. Qua khảo sát của Sở KH&CN Bến Tre tại một số tỉnh, khoảng 30% nhãn hiệu được sử dụng hiệu quả, người tiêu dùng biết đến và ghi nhận. Qua đó, giá trị sản phẩm được tăng cao, chất lượng sản phẩm cũng được đảm bảo nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu. Trong khi đó, khoảng 60% nhãn hiệu tập thể được xây dựng chưa bài bản, chưa hiệu quả; 10% nhãn hiệu tập thể sau khi được bảo hộ không được sử dụng thực tế.Vì vậy, để khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Nhãn Long Hòa, nhãn xuồng cơm vàng Tam Hiệp và tôm sinh thái Thạnh Phước”, UBND huyện Bình Đại cần tăng cường chỉ đạo các giải pháp phát triển bền vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chất lượng ổn định sản phẩm; thực hiện thủ tục cấp quyền sử dụng, quản lý tem nhãn nhanh, đúng quy định để nông dân và các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu. Đặc biệt, UBND huyện đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nhãn, tôm thông qua hội chợ để kết nối thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Sản phẩm tôm sinh thái Thạnh Phước sơ chế.
Các thành viên hợp tác xã tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể phải đảm bảo quy trình sản xuất sản phẩm chất lượng; ứng dụng KH&CN vào quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.
Cây nhãn là một trong hai cây chủ lực của huyện Bình Đại với tổng diện tích 1.455 ha, năng suất cao 6-7 tấn/ha, chất lượng tốt với tỷ lệ đồng đều trên 80%, độ ngọt trên 23%. Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hiệp và Hợp tác xã nông nghiệp Long Hòa khai thác nhãn hiệu tập thể với khoảng 76 ha và 163 thành viên. Bên cạnh đó, nghề nuôi thủy sản của huyện Bình Đại với diện tích khoảng 3.532 ha với thủy sản chính là tôm. Nuôi tôm sinh thái là một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người nông dân trên địa bàn huyện Bình Đại. Đến nay, hơn 400 ha diện tích và 168 thành viên của Hợp tác xã thủy sản sinh thái Thạnh Phước khai thác nhãn hiệu tập thể.
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Các thương hiệu được xây dựng, xác lập quyền đối với 6 chỉ dẫn địa lý (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, cua biển, tôm càng xanh, sầu riêng Cái Mơn), nhãn hiệu chứng nhận (bò Ba Tri, rượu Phú Lễ, lợn Mỏ Cày Nam) và 18 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp chứng nhận.
Mai Văn Thủy