Thứ sáu, 22/12/2023 09:14

Đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp hiểu thêm quy trình thủ tục, tiêu chí, điều kiện yêu cầu đối với hoạt động cho vay gián tiếp, đồng thời lắng nghe những ý kiến, đóng góp để nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện những chính sách đang còn bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý và đề xuất các biện pháp khắc phục, ngày 21/12/2023, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) đã tổ chức hội thảo “Hợp tác giữa NATIF và Ngân hàng thương mại trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ”.

Toàn cảnh hội thảo.

Những kết quả bước đầu

Ngày 29/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg về Điều lệ tổ chức và hoạt động của NATIF. Theo Điều lệ mới, quy mô vốn điều lệ của NATIF được ngân sách nhà nước cấp với mức tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Nhiệm vụ của NATIF là triển khai các hoạt động chính gồm cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn với mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Sau hơn 2 năm thực hiện Điều lệ mới, đến nay, về cơ bản NATIF đã xây dựng được tương đối đầy đủ hệ thống văn bản, chính sách để thực hiện các chức năng của một tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách. NATIF đã hoàn thiện các văn bản, quy chế hướng dẫn hoạt động cho vay ưu đãi; ký kết hợp tác với các ngân hàng để cùng phối hợp tìm kiếm, tuyển chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực sự có năng lực và có nhu cầu đổi mới, hoàn thiện công nghệ và tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ NATIF. Trong năm 2023, NATIF đã phối hợp với các ngân hàng lựa chọn được 15 dự án để tiến hành xét duyệt cấp vốn cho vay ưu đãi với hạn mức vay vốn tối đa là 49 tỷ đồng/doanh nghiệp (15% vốn điều lệ thực có).

Cần sự chung tay để giải quyết những khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, NATIF còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, vướng mắc như: nguồn vốn cấp cho NATIF còn thấp nên hạn mức cho vay tối đa đối với mỗi dự án chưa đáp ứng được nhu cầu vay để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; việc quảng bá chính sách cho vay ưu đãi của NATIF đến các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ còn hạn chế nên chưa lựa chọn được nhiều doanh nghiệp có dự án khả thi… Vì vậy, để triển khai hoạt động cho vay gián tiếp tới các doanh nghiệp đạt hiệu quả trong thời gian tới, NATIF rất cần sự tham gia góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là những người trực tiếp triển khai các văn bản quản lý, cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp trực tiếp được thụ hưởng nắm bắt được những ưu, nhược điểm trong quá trình tổ chức triển khai; đưa ra những ý kiến đóng góp để NATIF nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện những chính sách đang còn tồn tại, bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý và đề xuất các biện pháp khắc phục.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ KH&CN. NATIF đã tiến hành tổ chức hội thảo nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, các ngân hàng, doanh nghiệp để hiểu thêm các quy trình thủ tục, tiêu chí, điều kiện yêu cầu đối với hoạt động cho vay gián tiếp của NATIF. Những bài học kinh nghiệm, những đề xuất kiến nghị tại hội thảo sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng để NATIF khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua và đề xuất những biện pháp cần khắc phục trong thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Ông Nguyễn Thế Ích - Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan điều hành NATIF phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Ích - Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan điều hành NATIF cho biết, các nội dung trình bày và tham luận tại hội thảo đã đánh giá rất khách quan trung thực những ưu, nhược điểm và chỉ ra những tồn tại, giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, những người thực thi chính sách và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách nhận thức và hiểu biết sâu hơn hoạt động hỗ trợ cho vay gián tiếp của NATIF đối với các doanh nghiệp. Qua đó, đề ra những nội dung quan trọng định hướng giải pháp cho cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng, nhà khoa học và hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hưởng lợi cần hỗ trợ thực hiện. Những kiến thức, kinh nghiệm của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp được chia sẻ tại hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện các chính sách, các quy trình, quy định giữa NATIF và ngân hàng để hỗ trợ hiệu quả hơn việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NATIF đối với hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)