Thứ ba, 30/01/2024 19:33

Bảo hộ tế bào gốc - Những khó khăn phải đối mặt

Khó khăn trong thực hiện nghiên cứu tế bào gốc đến từ nhiều khía cạnh, bao gồm: chi phí đầu tư cao, cơ sở pháp lý không rõ ràng, nhân sự không đáp ứng được yêu cầu và quan trọng hơn hết là định kiến về đạo đức.

Rào cản nghiên cứu và bảo hộ tế bào gốc

Đầu tiên, nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc khá tốn kém. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới cũng có quan điểm cho rằng, chi phí nghiên cứu tế bào gốc quá đắt đỏ, vượt qua ngưỡng chấp nhận của đa số người dân và doanh nghiệp. Nếu ở châu Âu, tài trợ công là điều cần thiết cho tiến bộ khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc thì tại các quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng chưa có nhiều chính sách trong phát triển, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình tài trợ nghiên cứu, thực hành trong lĩnh vực này. Vấn đề chi phí đầu tư ban đầu sẽ làm hạn chế các nhà nghiên cứu tiếp cận với các dòng tế bào gốc và xa hơn sẽ ngăn cản sự phát triển của công nghệ sinh học và y học quốc gia.

Thứ hai, Việt Nam và nhiều quốc gia chưa có cơ sở pháp lý thật sự rõ ràng đối với hoạt động nghiên cứu tế bào gốc. Ngày nay, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhiều sáng chế công nghệ thường đi trước pháp luật. Nếu những quy định không được cập nhật, ban hành sẽ làm mất đi cơ sở phát triển khoa học bền vững. Điều này đặt ra các yêu cầu trong việc công nghệ tế bào gốc phải được bảo vệ kịp thời và toàn diện bằng các loại hình tài sản trí tuệ, đặc biệt là bằng sáng chế.

Thứ ba, đó là tình hình nhân sự và chất lượng đào tạo cán bộ. Lương cho nhân viên hoạt động nghiên cứu tế bào gốc quá thấp. Cán bộ nghiên cứu khó bám trụ được với nghề khi cuộc sống cơ bản chưa đảm bảo, khó thu hút được người gắn bó lâu dài. Đồng thời, việc xác định yêu cầu về trình độ sáng tạo đối với tế bào gốc là một trở ngại trong việc cấp bằng sáng chế, đòi hỏi phải chứng minh từ những cá nhân có chuyên môn kỹ thuật như các nhà nghiên cứu trong ngành hay những chuyên gia trong một chủ đề cụ thể.

Thứ tư, đối với bảo hộ sáng chế tế bào gốc, điểm chung trong quy định của nhiều quốc gia đều có nhắc đến điều kiện phù hợp với trật tự công cộng và các nguyên tắc đạo đức. Tuy vậy, các quy định ngoại lệ về đạo đức trong văn bản pháp luật ở mỗi quốc gia thành viên có sự khác biệt. Hay nói cách khác, khía cạnh đạo đức đang được cảm nhận chủ quan và chưa xem xét đến các lợi ích mà tế bào gốc mang lại cho cộng đồng chung.

Định kiến với nghiên cứu về tế bào gốc phôi người

Có thể nói định kiến về khía cạnh đạo đức là rào cản lớn nhất trong công nhận bảo hộ sáng chế đối với tế bào gốc phôi người việc tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất thương mại và nhà hoạch định chính sách diễn ra trong suốt nhiều năm qua. Tại một số khu vực trên thế giới, việc cấp bằng bảo hộ sáng chế đối với tế bào gốc phôi người bị xem là hành vi phi đạo đức. Theo ghi nhận từ nhiều khu vực cho thấy, hoạt động nghiên cứu tế bào gốc ở các công ty chuyên trách đã phải nộp đơn xin phá sản hoặc ngừng sản xuất các sản phẩm liên quan tế bào gốc trên thị trường vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề về bảo hộ sáng chế của cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia. Đơn cử như tại Mỹ, năm 2011, Advanced Cell Technology (ACT) trở thành công ty duy nhất hiện đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng liên quan đến tế bào gốc phôi người phải rút lui về vấn đề bảo hộ sáng chế và tác động của khủng hoảng tài chính lúc bấy giờ. Trong năm 2020, Tập đoàn tế bào gốc St. Louis nộp đơn phá sản sau khi tranh chấp pháp lý về sở hữu liên quan đến sáng chế với nhà đầu tư ở một số quốc gia sở tại.

Một số nghiên cứu cũng khẳng định, bằng sáng chế về tế bào gốc gây ảnh hưởng đến phẩm giá con người. Tiêu biểu là nghiên cứu của David B. Resnik vào năm 2009, nghiên cứu cho thấy, bằng sáng chế tế bào gốc phôi người đầu tiên được trao vào năm 1998 có rất ít sự phản đối về mặt đạo đức. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tế bào gốc phôi người bắt đầu tạo ra nhiều lợi ích thương mại và vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu và kinh doanh ngày càng được chú trọng thì những mâu thuẫn bắt đầu phát sinh, với rất nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều được đưa ra tại Hoa Kỳ và khu vực EU.

Không công nhận bằng sáng chế

Công nhận bằng sáng chế

Con người phải là mục đích chứ không phải công cụ, nghiên cứu tế bào gốc phôi người (hESC) được xem như công cụ hóa con người, thông qua hành vi phá hủy phôi người.

Các công trình khoa học gần đây đã chứng minh quá trình nghiên cứu tế bào gốc từ phôi được tạo ra để điều trị bệnh và không phá vỡ tự nhiên như nhiều tranh chấp xoay quanh việc phá hủy phôi người.

Phẩm giá con người bị đe dọa do biến con người thành tài sản.

Theo lý luận về sự sống và phẩm giá của Kant thì “ở đâu có sự sống con người thì ở đó có phẩm giá, nhưng chiều ngược lại không hẳn bao giờ cũng đúng”. Điều này góp phần làm rõ việc ngay cả khi phôi người không có quyền sống, nhưng nó vẫn có quyền được tôn vinh.

Bản chất của bằng sáng chế là cung cấp sự độc quyền cho bên sở hữu nên nếu cấp bằng sáng chế sẽ tạo nên tính thương mại và biến phôi người thành một món hàng của hoạt động kinh doanh.

Điều 21 Công ước Châu Âu về Nhân quyền và Y sinh (CETS 164): “Cơ thể con người và các bộ phận trên cơ thể con người sẽ không làm phát sinh lợi ích tài chính”.

Khía cạnh về lợi ích cộng đồng trong hoạt động nghiên cứu và điều trị là điều đáng được xem xét.

Nguyễn Hoàng Nam - Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước TP Hồ Chí Minh

Đón đọc Bảo hộ tế bào gốc - Thực trạng chính sách bảo hộ sáng chế trên thế giới và Việt Nam.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)