Thứ năm, 07/03/2024 16:31

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 có gì mới?

Ngày 06/03/2024, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) đã chủ trì buổi họp nhằm thống nhất phương thức và tiêu chí đánh giá xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024.

Thống nhất phương thức và tiêu chí đánh giá xét tặng Giải thưởng

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi họp.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, cần thống nhất phương thức và tiêu chí đánh giá xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 để công tác triển khai, xét chọn Giải thưởng có hiệu quả, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và liêm chính khoa học. Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, các thay đổi trong quy định (Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN ngày 15/08/2023) nhằm mục đích giúp Giải thưởng được tổ chức tốt, toàn diện hơn (Giải thưởng Tạ Quang Bửu có thể được cơ cấu lại để giảm yêu cầu về bài báo quốc tế và tăng tiêu chuẩn liên quan tới tạp chí khoa học trong nước).

Một số điểm mới của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng của Bộ KH&CN được tổ chức định kỳ nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc. Giải thưởng được tổ chức lần đầu vào năm 2014, sau 9 năm tổ chức và thực hiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trao tặng Giải thưởng cho 22 nhà khoa học, trong đó có 18 Giải thưởng chính và 4 Giải thưởng trẻ. Từ năm 2014-2022, Giải thưởng được tổ chức xét duyệt và trao tặng cho các công trình trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN&KT), tổ chức định kỳ 1 năm/lần; từ năm 2024, Giải thưởng được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), tổ chức định kỳ 3 năm/lần.

Bên cạnh những thay đổi về lĩnh vực nghiên cứu và tần suất tổ chức, Hội đồng Giải thưởng đã thống nhất một số quy định mới như: phương thức nộp hồ sơ theo hình thức đề cử (bỏ hình thức tự ứng cử); xem xét, lựa chọn nhà khoa học để trao Giải thưởng thông qua việc đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong tối đa 3 bài báo khoa học quốc tế được công bố trong thời gian 7 năm; cơ cấu Giải thưởng điều chỉnh tăng số lượng Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) đối với mỗi nhóm lĩnh vực; Hội đồng Xét tặng Giải thưởng được thành lập trước thời điểm các hội đồng khoa học ngành xem xét, đánh giá hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.

Giám đốc Cơ quan điều hành NAFOSTED Phạm Đình Nguyên phát biểu tại buổi họp.

Theo NAFOSTED, Hội đồng Giải thưởng năm nay đã tiếp nhận 97 hồ sơ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực KHTN&KT, 21 hồ sơ trong lĩnh vực KHXH&NV; 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng trẻ. Đại diện NAFOSTED ông Phạm Đình Nguyên - Giám đốc Cơ quan điều hành NAFOSTED cho biết, từ năm nay, Hội đồng Giải thưởng được tham gia sớm, có quyền tiếp cận hồ sơ đề cử để nắm thông tin, dự các phiên họp của các hội đồng ngành để nêu ý kiến (nhưng không được phép bỏ phiếu). Dù có nhiều thay đổi trong quy chế, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 vẫn xoay quanh mục tiêu vừa tôn vinh, vừa khích lệ các nhà khoa học. Bên cạnh việc chọn ra đề tài xuất sắc, hội đồng sẽ xét tới cả những nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nỗ lực vượt qua các rào cản để giúp nền khoa học Việt Nam hội nhập thế giới.

Tại phiên thảo luận, các thành viên Hội đồng cơ bản đã nhất trí với cách tiếp cận, phương thức và tiêu chí đánh giá Giải thưởng năm 2024; sự phối hợp giữa Hội đồng khoa học các ngành, liên ngành với Hội đồng Giải thưởng… Các thành viên Hội đồng khoa học sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, thuyết trình, báo cáo về các hồ sơ đề xuất với Hội đồng xét tặng Giải thưởng; Hội đồng ngành và Hội đồng xét tặng Giải thưởng có thể mời thêm chuyên gia ngoài Hội đồng có chuyên môn phù hợp (nếu cần thiết) để đánh giá, bảo đảm sát với nội dung công trình.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)