Thứ năm, 21/03/2024 15:13

Nguyên lý bán dẫn trong trao đổi giá trị tiền tệ và môi sinh của tác giả người Việt đang được đón nhận rộng rãi

ThS Nguyễn Phương Tri1, TS Dương Thị Minh Phượng2

1Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Chứng khoán tại TP Hồ Chí Minh

2Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Mới đây, trong bài đánh giá tình hình phát triển tổng hợp của Tạp chí Economics and  Business  Letters, các bài nghiên cứu nhận được nhiều trích dẫn nhất của tạp chí ở cả 3 cơ sở dữ liệu Google Scholar, Web of Science và Scopus đã được vinh danh. Nghiên cứu của TS Vương Quân Hoàng về nguyên lý bán dẫn trong trao đổi giá trị tiền tệ và môi sinh đã đứng đầu ở cả 3 hạng mục. Việc một nghiên cứu lý thuyết được vinh danh bởi tạp chí khoa học được bảo trợ bởi Đại học Oviedo - một trong những trường đại học lâu đời nhất tại châu Âu (450 tuổi), là tín hiệu tích cực về sự lan tỏa và đóng góp của khoa học Việt Nam.

Trong giới hàn lâm, để đánh giá được tác động của một sản phẩm khoa học là việc không hề dễ dàng. Tùy vào thể loại, hình thức, chủ đề, phương pháp và chuyên ngành của sản phẩm mà cách đánh giá tác động cũng sẽ khác nhau, ví dụ như thông qua lượng trích dẫn, việc được sử dụng trong các văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn, được áp dụng vào phát triển sản phẩm...

Hiện nay, cách đánh giá tác động phổ biến nhất là thông qua lượng trích dẫn của tác phẩm. Mặc dù cách làm này tồn tại nhiều hạn chế và tranh cãi về sự hiệu quả [1], nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận được tính hữu dụng của chúng trong việc đánh giá sự lan tỏa của sản phẩm khoa học. Vì đơn giản, các sản phẩm khoa học không thể được trích dẫn nếu các nhà nghiên cứu không đọc, không suy nghĩ và so sánh với hàng trăm nghiên cứu khác để rồi lựa chọn trích dẫn vào bài.

Tuy nhiên, khi dùng trích dẫn để đánh giá mức độ lan tỏa, một số vấn đề cần được cân nhắc, đó là các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí có độ phủ rộng hơn và thuộc các chuyên ngành có nhiều nhà nghiên cứu hơn thì sẽ được đọc nhiều hơn, và vì vậy có cơ hội nhận được nhiều trích dẫn hơn. Để tránh các sai lệch này, việc so sánh tương quan lượng trích dẫn trong cùng chuyên ngành, thậm chí là tạp chí, sẽ giúp cho chúng ta thấy được mức độ lan tỏa thật của một sản phẩm nghiên cứu.

Mới đây, trong bài đánh giá tình hình phát triển tổng hợp, Tổng biên tập của Tạp chí Economics and  Business Letters [2] đã vinh danh các bài nghiên cứu nhận được nhiều trích dẫn nhất của tạp chí ở cả 3 cơ sở dữ liệu Google Scholar, Web of Science và Scopus. Đứng đầu ở cả 3 hạng mục là sản phẩm khoa học “The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange” (tam dịch: Nguyên lý bán dẫn trong trao đổi giá trị tiền tệ và môi sinh) của TS Vương Quân Hoàng (Trường Đại học Phenikaa) [3]. Đây là năm thứ 2 Tạp chí thực hiện việc vinh danh này, trong lần vinh danh đầu tiên vào năm 2023, bài nghiên cứu trên cũng đã dẫn đầu ở cả 3 hạng mục, mặc dù mới được xuất bản vào năm 2021.

Logic để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu thông qua hệ thống giá trị văn hóa [3].

Economics and Business Letters là tạp chí được bảo trợ bởi Đại học Oviedo có mục tiêu xuất bản các sản phẩm nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. Oviedo là một trong những trường đại học lâu đời nhất tại châu Âu, được thành lập vào năm 1574 (450 năm trước) theo di chúc của Đức Tổng Giám mục Fernando de Valdés Salas (1483-1568), người từng là Tổng Thanh tra dưới thời Vua Philip II của Tây Ban Nha. Năm 1574, Giáo hoàng Gregory XIII đã ban Sắc lệnh thành lập trường và Vua Philip III đã ban hành điều lệ của trường vào năm 1604.

Nghiên cứu của TS Vương Quân Hoàng là lý thuyết khoa học về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, thông qua các giá trị văn hóa cốt lõi và những hoạt động kinh tế. Dựa trên hệ thống lý thuyết Mindsponge [4-6], lý thuyết này cho rằng, văn hóa thâm hụt sinh thái (eco-deficit culture) là vấn đề cốt lõi cần được giải quyết để đạt được sự phát triển bền vững, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và suy thoái môi sinh đang ngày càng nghiêm trọng. Tác giả cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề này, nguyên lý bán dẫn trong trao đổi giá trị tiền tệ và môi sinh cần được thực hành để xã hội có thể chuyển dịch sang văn hóa thặng dư sinh thái (eco-surplus culture). Dựa trên nền tảng của lý thuyết này, nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đã được phát triển tiếp [7-11].

Có thể nói, việc một nghiên cứu lý thuyết từ Việt Nam xuất hiện trong danh sách được vinh danh của tạp chí khoa học được bảo trợ bởi một trong các trường đại học lâu đời nhất châu Âu là một tín hiệu tích cực về sự lan tỏa và đóng góp của khoa học Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] M.R. Dougherty,  Z. Horne (2022), “Citation counts and journal impact factors do not capture some indicators of research quality in the behavioural and brain sciences”, Royal Society Open Science, 9(8),  DOI: 10.1098/rsos.220334.

[2] F.J. Delgado, E. Gonzalez (2024), “Editorial note”, Economics and Business Letters, 13(1), pp.1-11. 

[3] Q.H. Vuong (2021), “The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange”, Economics and Business Letters, 10(3), pp.284-290.

[4] Q.H. Vuong (2023), Mindsponge Theory, Walter de Gruyter GmbH, 256pp, https://www.amazon.com/dp/B0C5C4LPF1, accessed 1 March 2024.  

[5] Q.H. Vuong, M.H. Nguyen, V.P. La (2022), The Mindsponge and BMF Analytics for Innovative Thinking in Social Sciences and Humanities, Walter de Gruyter GmbH, 430pp, https://www.amazon.com/dp/8367405102/, accessed 1 December 2023. 

[6] Q.H. Vuong (2023), A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism,  245pp, https://www.amazon.com/dp/B0C5C4LPF1, accessed 1 March 2024.  

[7] M.H. Nguyen, T.E. Jones (2022), “Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas”, Humanities and Social Sciences Communications, 9(1), DOI: 10.1057/s41599-022-01441-9.

[8] J. Tian, Q. Cheng, R. Xue. et al. (2023), “A dataset on corporate sustainability disclosure”, Scientific Data, 10(1), DOI: 10.1038/s41597-023-02093-3.

[9] V.Q. Khuc, B.Q. Tran, D. Nong, et al. (2023), “Driving forces of forest cover rehabilitation and implications for forest transition, environmental management and upland sustainable development in Vietnam”, Environment, Development and Sustainability, https://link.springer.com/article/10.1007/s10668-023-04159-z, accessed 1 March 2024.   

[10] Vương Quân Hoàng, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Hồng Sơn (2023), “Không hy sinh rừng để phát triển kinh tế - xã hội: Việt Nam lựa chọn lối hài hòa, cân bằng sinh thái”, https://dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan/Lists/XayDungDang/View_Detail.aspx?ItemID=198, accessed 1 March 2024.   

[11] Vương Quân Hoàng, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Minh Hoàng (2023), “Từ luận đề văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong thời đại mới”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/867002/viewcontent, accessed 1 March 2024.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)