Triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và TP Hải Phòng
Vừa qua, đoàn công tác của Bộ KH&CN do đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo TP Hải Phòng. Tại buổi làm việc, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP, đồng chí Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN TP Hải Phòng báo cáo tóm tắt sơ kết, đánh giá sau hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giữa Bộ KH&CN và TP Hải Phòng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các đề xuất, kiến nghị.
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và UBND thành phố Hải Phòng tổ chức 29/3/2024.
Trong năm qua, Bộ KH&CN và UBND TP Hải Phòng và đã tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế TP Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Những kết quả đáng ghi nhận phải nhắc đến đó là: Phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng dữ liệu tính toán Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) tại Hải Phòng.
Bên cạnh đó, việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ về Chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST mà cụ thể hoàn thành 03/03 nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực KH,CN&ĐMST; Tổ chức các Hội thảo khoa học về chuyển đổi số gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP; Khai trương và đưa vào hoạt động “Điểm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số TP Hải Phòng” - đây là điểm tư vấn hỗ trợ được thành lập đầu tiên trong cả nước nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của Hải Phòng.
TP Hải Phòng cũng đã hoàn thành trong công tác thẩm định các đề án, quy hoạch của TP trình Chính phủ đảm bảo tiến độ, chất lượng như: Quy hoạch TP Hải phòng thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án xây dựng Chính quyền đô thị TP Hải Phòng.
Hoàn thành triển khai áp dụng thí điểm tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại 12 quận, huyện, phường xã trên địa bàn TP Hải Phòng; Hỗ trợ Doanh nghiệp áp dụng hệ thống chất lượng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế .
Tổ chức thành công Techfest Hải Phòng 2023 với quy mô tầm quốc tế. Tại sự kiện đã tổ chức các cuộc kết nối cung – cầu công nghệ cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Tổ chức thành công 2 đoàn công tác về khảo sát, kết nối cung - cầu công nghệ tại Hàn Quốc và Châu Âu (Pháp, Đức, Bỉ). Sau các chuyến công tác, đã có một số đối tác của các nước sang thăm và ký kết thoả thuận hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp của TP.
Đặc biệt, hai bên đã triển khai nghiên cứu, xây dựng 3 đề án nhằm đưa Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển KH&CN biển của vùng Bắc bộ và cả nước, gồm: Đề án xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN biển; xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng; xây dựng Chương trình khoa học công nghệ Biển TP Hải Phòng đến năm 2030.
Cùng với đó là triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm cấp thành phố như Dự án hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của Nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng...
Lãnh đạo Bộ KH&CN thăm, khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Vật liệu nam châm Sin- Etsu Việt Nam và Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam.
Khẳng định sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp giữa hai bên, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với TP trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm phối hợp, hỗ trợ TP trong hoạt động KH,CN&ĐMST, phát triển TP trong thời gian tới, tập trung vào một số lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; công bố một số tiêu chuẩn quốc gia trong xử lý bã thải thạch cao làm vật liệu nền, móng công trình giao thông, vật liệu san lấp; đề xuất cấp có thẩm quyền thành lập Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hải Phòng; nghiên cứu phối hợp xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học dùng chung cho Hải Phòng và các địa phương trong khu vực; phối hợp tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia năm 2024 tại Hải Phòng; sớm đưa Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia vào hoạt động để thành phố Hải Phòng có thể kết nối, hỗ trợ phục vụ người dân và doanh nghiệp; phối hợp với Bộ Tài chính đẩy nhanh việc chuyển giao Nhà Hội thảo khoa học Đồ Sơn về TP Hải Phòng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; triển khai một số nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trên địa bàn thành phố góp phần giúp thành phố Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN kết luận: Bộ KH&CN đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng đối với hoạt động KH,CN&ĐMST; ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của TP trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành KH&CN thời gian qua. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN đề nghị lãnh đạo TP Hải Phòng tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động KHCN&ĐMST. Trong đó, cố gắng bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho KHCN&ĐMST phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm của địa phương; tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa; tổ chức đánh giá thực trạng công nghệ trên địa bàn TP Hải Phòng.
Thống nhất với Lãnh đạo TP Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của hai bên tiếp tục triển khai các nội dung của Chương trình phối hợp đã ký kết, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung những vấn đề mới sát với điều kiện thực tiễn và nhu cầu phát triển của TP.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của thành phố tại buổi làm việc, Bộ KH&CN ủng hộ và thống nhất phối hợp với TP tổ chức triển khai thực hiện, nhất trí với đề xuất TP Hải Phòng đăng cai tổ chức Techfest quốc gia 2024. Đề nghị lãnh đạo TP Hải Phòng chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp với Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật và các đơn vị liên quan thuộc Bộ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời có văn bản đề xuất đối với từng nhiệm vụ cụ thể, trên cơ sở đó Bộ KH&CN sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành điện tử, bán dẫn
Theo đó, Hải Phòng hiện đang có nhiều hợp tác, đào tạo và đầu tư cho KH&CN với mục tiêu đây sẽ là một trong những trung tâm hàng đầu đất nước về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin.
Ký kết hợp tác giữa các đơn vị trong Chương trình đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn.
Sự kiện Lễ ký kết hợp tác ngày 29/3/2024 tại TP Hải Phòng giữa Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ giáo dục quốc tế SunEdu và Ban quản lý các khu kinh tế Hải Phòng về đào tạo nhân lực dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo TP Hải Phòng cho thấy các nỗ lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa xây dựng Hải Phòng thành trung tâm nhân lực chất lượng cao ngành điện tử, bán dẫn.
Đây chỉ là một phần kết quả trong những nỗ lực phát triển hoạt động KH&CN của Hải Phòng sau hơn một năm triển khai Chương trình phối hợp hoạt động KH,CN&ĐMSTgiữa Bộ KH&CN và UBND TP Hải Phòng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo thỏa thuận hợp tác, giai đoạn 2024 - 2027, các bên sẽ đào tạo 1000 đến 1.200 kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu về vi mạch cho đội ngũ giảng viên, kỹ sư tại Hải Phòng và các vùng lân cận; đào tạo 3.000 - 5.000 lao động có kỹ năng cơ bản về vi mạch cùng nhiều hoạt động nghiên cứu, hợp tác khác trong việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu hợp tác được xác lập nhằm xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực hoạt động của mỗi bên vì sự phát triển lâu dài, bền vững và cùng có lợi.
Các bên thống nhất ký thỏa thuận hợp tác với các nội dung cụ thể: Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn triển khai các giải pháp chuyển đổi số giáo dục và đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm mà mỗi bên đã và đang triển khai. Đồng thời, hợp tác, tư vấn, phát triển, tổ chức các chương trình đào tạo mới ở trình độ Đại học và Sau Đại học theo các hình thức đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, từ xa; tư vấn, đánh giá chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mỗi bên, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Các bên thống nhất phối hợp trao đổi chuyên môn, đào tạo lý thuyết gắn với thực hành thực tế thông qua các khoá đào tạo, các khoá học thực hành được giảng dạy, chia sẻ với các chuyên gia, các giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm thực tế của Sun Edu cho các kỹ sư, sinh viên, học viên nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn nhân lực chất lượng, lành nghề, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ Trường Đại học Hải Phòng xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi năng lực cho kỹ sư, sinh viên khối ngành kỹ thuật (Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa) để đáp ứng vị trí việc làm trong ngành vi mạch bán dẫn, cung ứng nguồn nhân lực cho TP Hải Phòng.
Cùng đó là hợp tác triển khai các hoạt động hỗ trợ ươm tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Xây dựng và triển khai mạng lưới các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ mạng lưới đối tác, chuyên gia của các bên…
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc ký kết hợp tác đào tạo nhân lực là hoạt động thiết thực nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là công nghiệp bán dẫn, đang có vai trò ngày càng quan trọng với nền kinh tế thế giới, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu kỳ vọng lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị là một trong những hoạt động nhằm từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, nhất là trong lĩnh vực chíp bán dẫn và công nghệ thông tin của thành phố.
Lê Hạnh