Thứ hai, 17/06/2024 10:39

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất với chủ đề “Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam” diễn ra ngày 15/06/2024, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Trong hàng nghìn năm xây dựng và phát triển, lập trường bất biến của mỗi người dân Việt Nam là coi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, sự toàn vẹn của đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Phiên toàn thể tại Hội nghị.

Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đồng tổ chức. Hội nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề, được thảo luận tại 3 tiểu ban: 1) Một số vấn đề chung về chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền; 2) Biển Đông - Không gian sinh tồn của các cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ Việt Nam; 3) Chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hội nghị là diễn đàn trao đổi học thuật cho các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử và một số lĩnh vực khác như pháp luật, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua; trao đổi về các tư liệu đã sưu tầm được ở trong nước và một số nước trên thế giới, trao đổi về cách tiếp cận và đi sâu phân tích các luận điểm nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia lãnh thổ của đất nước. Đây cũng là dịp để đẩy mạnh kết nối, hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy lịch sử và công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia lãnh thổ Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Tiếp cận toàn bộ, toàn diện trong nghiên cứu lịch sử

Trong kỷ yếu tóm tắt của Hội nghị, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong suốt một thời gian dài trước đây, các bộ lịch sử Việt Nam thường được trình bày theo hướng nhấn mạnh dòng chảy của lịch sử người Việt (Kinh). Theo đó, các nền văn minh và các vương quốc cổ đại phía Nam được thể hiện rất mờ nhạt, thậm chí hoàn toàn thiếu vắng trong các bộ thông sử. Điều này đã dẫn tới một nhận thức phổ biến, xem lịch sử vùng đất phía Nam, trong đó có vùng Nam Bộ là quá trình Nam tiến. Điều này không chỉ là hạn chế của nhận thức khoa học mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử.

PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định: trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm gần đây, giới sử học, khảo cổ học cùng với các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã góp phần động viên quân và dân ta phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống yêu nước của cha ông vào việc thực hiện nhiệm vụ chống quân xâm lược vì sự nghiệp độc lập và thống nhất Tổ quốc hướng tới xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Chính vì vậy, trong hơn 10 năm gần đây, khi tình hình khu vực có những vấn đề nổi lên về chủ quyền đất nước, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trực tiếp là cố GS, NGND, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê đã ra “lời kêu gọi” các nhà khoa học nói chung, trước hết là các hội viên thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đẩy mạnh việc nghiên cứu góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và sự toàn vẹn của quốc gia, lãnh thổ Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam.

Chủ quyền quốc gia lãnh thổ Việt Nam theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện

Dưới góc độ tiếp cận toàn bộ, toàn diện, các tham luận của các nhà khoa học, đại biểu đã khẳng định, chủ quyền quốc gia lãnh thổ Việt Nam là một thể thống nhất, không thể tách rời từ quá khứ đến hiện tại. Theo đó, trong thời kỳ dựng nước, dù ở Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sự ra đời của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, ở miền Trung với sự ra đời của Nhà nước Chămpa hay ở vùng Nam Bộ với sự ra đời của Vương quốc Phù Nam, ý thức dân tộc, quốc gia đã dần hình thành và phát triển để chúng ta có được một đất nước Việt Nam như ngày hôm nay (gần 332.000 km2 đất liền, một thềm lục địa rộng lớn với hàng nghìn đảo, quần đảo trên Biển Đông và vùng biển Tây Nam, trong đó có các quần đảo rộng lớn như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu…).

Nói về quá khứ hào hùng trong việc dựng nước và giữ nước, PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định, trong tâm thức của mỗi con dân nước Việt còn đọng lại biết bao lời tuyên bố hùng hồn về chủ quyền quốc gia, đã trở thành lời thề non nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là lời thơ thần: “Nam Quốc sơn hà nam đế cư” thời chống quân xâm lược Tống thế kỷ XI; lệnh của Hoàng đế Lê Thánh Tông 1473: “Một thước nước, một tấc đất của vua Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”; lời kêu gọi của Hoàng đế Quang Trung trong kháng chiến chống 29 vạn quân Thanh thế kỷ XVIII: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ). Gần đây nhất, năm 1945, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, trong bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

PGS.TS Trần Đức Cường phát biểu đề dẫn tại Hội nghị.

PGS.TS Trần Đức Cường nhấn mạnh, trong vài thập kỷ gần đây, trước sự phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thể hiện quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Chúng ta khẳng định chủ trương đúng đắn của Việt Nam là hết sức coi trọng việc giữ gìn hòa bình, ổn định cho đất nước và khu vực, kiên trì sử dụng các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết những bất đồng giữa các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, trong đó có Việt Nam. Chúng ta khẳng định chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ đối với quốc gia, là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời, là điều từng được khẳng định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam thông qua vào năm 1946 và phát triển trong bản Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Vũ Hưng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)