Thứ ba, 01/10/2024 14:08

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024: Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2023

Ngày 26/9/2024 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 tại Thụy Sỹ. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 4 bậc so với năm 2023 (từ vị trí 57 lên 53). Tương tự, đầu ra đổi mới sáng tạo cũng tăng 4 bậc so với 2023 (từ vị trí 40 lên 36).

Một số cải thiện đáng chú ý của Việt Nam

Năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là: Chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới là: tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9). Nhìn một cách tổng thể, thứ hạng GII của Việt Nam luôn có sự tăng hạng kể từ năm 2017 đến nay (bảng 1).

Bảng 1. Tiến bộ về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam giai đoạn 2017-2024.

 

2017

2018

2019

2020

2021

2022

2023

2024

Nhóm chỉ số đầu vào ĐMST

71

65

63

62

60

59

57

53

1. Thể chế

87

78

81

83

83

51

54

58

2. Nguồn nhân lực và nghiên cứu

70

66

61

79

79

80

71

73

3. Cơ sở hạ tầng

77

78

82

73

79

71

70

56

4. Trình độ phát triển của thị trường

34

33

29

34

22

43

49

43

5. Trình độ phát triển của doanh nghiệp

73

66

69

39

47

50

49

46

Nhóm chỉ số đầu ra ĐMST

38

41

37

38

38

41

40

36

6. Sản phẩm tri thức và công nghệ

28

35

27

37

41

52

48

44

7. Sản phẩm sáng tạo

52

46

47

38

42

35

36

34

Xếp hạng chung

47

45

42

42

44

48

46

44

 

Về cơ sở hạ tầng (trụ cột 3), năm 2024, Việt Nam xếp hạng 56, tăng 14 bậc (từ vị trí 70 năm 2023). Một số chỉ số trong trụ cột này có sự cải thiện đáng kể như chỉ số về tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng phát thải carbon thấp đạt 26,8%, xếp hạng 46; chỉ số sản lượng điện, GWh/triệu dân tăng 5 bậc (từ thứ hạng 75 năm 2023 lên 70); chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng tăng 4 bậc (từ thứ hạng 72 lên 68).

Ở trụ cột 4 (trình độ phát triển của thị trường), năm 2024 Việt Nam xếp hạng 43, tăng 6 bậc (từ hạng 49 năm 2023). Trong trụ cột này, chỉ số cải thiện tích cực nhất là số thương vụ các nhà đầu tư mạo hiểm đã thực hiện/GDP, đã tăng 10 bậc so với năm 2023, hiện xếp hạng 50. Chỉ số tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân, % GDP tăng 6 bậc, lên vị trí 15, chỉ số này được WIPO coi là một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Ngoài ra, có 2 chỉ số cải thiện 3 bậc là: giá trị vốn hóa các công ty niêm yết (% GDP) (tăng từ vị trí 36 lên 33); chỉ số số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm/tỷ GDP tiếp tục có xu hướng tăng (từ thứ hạng 54 năm 2021 lên thứ hạng 48 năm 2022, thứ hạng 47 năm 2023, và 44 năm 2024).

Về trình độ phát triển của doanh nghiệp (trụ cột 5), năm 2024 Việt Nam xếp hạng 46, tăng 3 bậc so với năm 2023. Trong đó điểm mạnh nhất vẫn là chỉ số nhập khẩu công nghệ cao (% tổng giao dịch thương mại), tăng 03 bậc, trở về vị trí dẫn đầu thế giới; chỉ số trả tiền bản quyền/tổng giao dịch thương mại tăng 5 bậc (từ thứ hạng 85 năm 2023 lên 80). Ngoài ra, các chỉ số trong nhóm như chỉ số về liên kết sáng tạo đều có sự cải thiện tích cực, đóng góp vào sự tăng hạng của nhóm chỉ số này (từ hạng 43 năm 2023 tăng 2 bậc lên thứ hạng 41 năm 2024).

Về đầu ra Sản phẩm tri thức và công nghệ (Trụ cột 6), năm 2024 Việt Nam xếp hạng 44, tăng 4 bậc so với năm 2023. Trong đó, 2 chỉ số tiếp tục là điểm mạnh của Việt Nam gồm: chỉ số xuất khẩu công nghệ cao (% tổng giao dịch thương mại) đã đứng đầu thế giới sau khi xếp hạng 3 năm 2023; chỉ số tốc độ tăng năng suất lao động (GDP/người lao động) xếp hạng 3 (tăng 1 bậc so với năm 2023). Ngoài ra, trụ cột này có một số chỉ số có cải thiện đáng ghi nhận như sau: chỉ số đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ tăng 5 bậc (xếp hạng 34); chỉ số định giá các công ty kỳ lân (% GDP) tăng 2 bậc (xếp hạng 31); chỉ số sản lượng ngành công nghệ cao (% tổng sản lượng sản xuất) tăng 10 bậc (xếp hạng 28); chỉ số xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) dù thứ hạng còn thấp nhưng đã tăng 20 bậc (từ vị trí 115 năm 2023 lên vị trí 95 năm 2024).

Về đầu ra (sản phẩm sáng tạo - trụ cột 7), Việt Nam tăng 2 bậc (từ thứ hạng 36 năm 2023 lên 34 năm 2024). Trong đó, nhóm chỉ số sản phẩm và dịch vụ sáng tạo là điểm sáng khi thứ hạng tăng mạnh 11 bậc (từ hạng 29 năm 2023 lên 18 năm 2024). Sự cải thiện này chủ yếu nhờ chỉ số xuất khẩu sản phẩm sáng tạo (% tổng giao dịch thương mại) lần đầu tiên đứng đầu thế giới, tăng 06 bậc (từ vị trí 7 năm 2023 lên vị trí dẫn đầu năm 2024). Ngoài ra, chỉ số xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo dù thứ hạng còn thấp, nhưng đã tăng 6 bậc (từ vị trí 87 năm 2023 lên 81 năm 2024).

Một số chỉ số cần tiếp tục được quan tâm

Bên cạnh những cải thiện đáng kể năm 2024, Báo cáo GII 2024 cũng đã chỉ ra một số chỉ số cần tiếp tục được quan tâm. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (bảng 2).

Bảng 2. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu: Thứ hạng của các quốc gia khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2017-2024.

TT

Quốc gia

2017

2018

2019

2020

2021

2022

2023

2024

1

Singapore

7

5

8

8

8

7

5

4

2

Malaysia

37

35

35

33

36

36

36

33

3

Thái Lan

51

44

43

44

43

43

43

41

4

Việt Nam

47

45

42

42

44

48

46

44

5

Philippines

73

73

54

50

51

59

56

53

6

Indonesia

87

85

85

85

87

75

61

54

7

Brunei

71

67

71

71

82

92

87

88

8

Campuchia

110

98

98

110

109

97

101

103

9

Lào

Chưa được đánh giá, xếp hạng

113

117

112

110

111

10

Myanmar

Chưa được đánh giá, xếp hạng

129

127

116

- -

125

 

Các vấn đề về thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chỉ số hiệu quả thực thi pháp luật vẫn chưa có sự cải thiện, xếp hạng 72 như năm 2023 (dù điểm số có cải thiện nhưng mức độ cải thiện không bằng các quốc gia khác). Chỉ số chất lượng các quy định pháp luật sau khi cải thiện 10 bậc từ hạng 93 lên 83 vào năm 2022, năm 2023 lại giảm xuống vị trí 94 và năm 2024 tiếp tục giảm 1 bậc xuống vị trí 95.

Về giáo dục và giáo dục đại học (2 nhóm chỉ số thuộc Trụ cột 2: Vốn con người và nghiên cứu), ngoài chỉ số tỷ lệ sinh viên nhập học đại học tăng 5 bậc, xếp hạng 78, các chỉ số còn lại trong 2 nhóm chỉ số này vẫn chưa có sự cải thiện. Chỉ số điểm PISA về đọc, toán và khoa học giảm 20 bậc; chỉ số tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật giảm 4 bậc. 2 chỉ số chi công cho mỗi học sinh trung học và số năm đi học kỳ vọng vẫn chưa có dữ liệu thống kê. Chỉ số tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập trong nước tiếp tục ở thứ hạng thấp và giảm từ thứ hạng 103 xuống 105.

Nhóm chỉ số hạ tầng ICT chưa có chuyển biến đáng kể. Năm 2021, nhóm chỉ số này xếp hạng 79, năm 2022 cải thiện 9 bậc, xếp hạng 70, nhưng năm 2023 và 2024 lại giảm xuống hạng 71 và 72. Trong đó, chỉ số truy cập ICT năm 2022 và 2023 đạt thứ hạng 41 và 40, nhưng năm 2024 giảm tới 35 bậc, xếp hạng 75. Chỉ số dịch vụ trực tuyến của chính phủ vẫn xếp hạng 75, chỉ số mức tham gia trực tuyến vẫn xếp hạng 71 như năm 2023 (dữ liệu của 2 chỉ số này là kết quả điều tra 2 năm/lần). Ngoài ra, về ICT còn chỉ số nhập khẩu dịch vụ ICT (% tổng giao dịch thương mại) cũng ở vị trí rất thấp, chưa cải thiện (năm 2023 xếp hạng 127, năm 2024 xếp hạng 129).

Các chỉ số về năng lượng, môi trường sinh thái dù có cải thiện so với năm 2023 nhưng hiện vẫn có thứ hạng thấp (chỉ số sản lượng điện, GWh/triệu dân xếp hạng 70; chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng xếp hạng 68). Chỉ số số chứng chỉ ISO 14001/tỷ GDP giảm 6 bậc so với năm 2023, hiện xếp hạng 49.

Về thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường, có 2 chỉ số sụt giảm rất lớn trong năm 2024 cần đặc biệt chú ý, đó là chỉ số mức thuế quan bình quân/tất cả các sản phẩm giảm 31 bậc (từ vị trí 17 xuống 48); chỉ số mức độ đa dạng của sản xuất trong nước giảm 16 bậc (từ vị trí 7 xuống 23).

Nhóm chỉ số lao động có kiến thức không được cải thiện và có xu hướng giảm thứ hạng liên tục từ năm 2020 đến nay. Năm 2020 nhóm chỉ số này xếp hạng 63, năm 2021 xếp hạng 68, năm 2022 xếp hạng 75 và năm 2024 tiếp tục giảm 09 bậc (xếp hạng 84). Trong đó, chỉ số việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức (% tổng việc làm) luôn ở thứ hạng thấp, năm 2024 xếp hạng 109 (với tỷ lệ 10,4%, có cải thiện so với năm 2023 nhưng vẫn còn rất thấp). Chỉ số tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo chính thức (%) năm 2024 là 8,7% giảm 26 bậc (xếp hạng 97).

Về Sản phẩm tri thức và công nghệ, nhóm chỉ số về sáng tạo tri thức xếp hạng 84 (giảm 4 bậc so với năm 2023), trong đó các chỉ số đáng chú ý gồm: chỉ số đơn đăng ký sáng chế theo nước xuất xứ, trên 1 tỷ GDP xếp hạng 68, giảm 8 bậc; chỉ số đơn đăng ký sáng chế trên 1 tỷ $PPP GDP xếp hạng 91, giảm 3 bậc; chỉ số số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật (PPP$GDP) xếp hạng 97, không thay đổi so với năm 2023.

Về sản phẩm sáng tạo, ngành công nghiệp sáng tạo đã xuất hiện những chỉ dấu tích cực, nhưng vẫn còn ở thứ hạng thấp hoặc chưa cải thiện tích cực. Một số chỉ số có thứ hạng thấp cần được cải thiện gồm chỉ số mật độ tài sản vô hình xếp hạng 57, giảm 19 bậc so với 2023; chỉ số tỷ lệ tên miền/1.000 dân độ tuổi 15-69 xếp hạng 76 (giảm 3 bậc so với 2023).

*

*      *

Báo cáo GII năm 2024 cho thấy, Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 39. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là (Trung Quốc xếp hạng 11, Malaysia xếp hạng 33, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng 37 Bulgari xếp hạng 38 và Thái Lan xếp hạng 41), còn lại tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan) (bảng 2).

Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong tám quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển. Điều này cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về Nguồn nhân lực và nghiên cứu.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)