Elisabeth Van Roijen - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, tiềm năng của phương pháp này rất lớn. Bà nhấn mạnh, lưu trữ carbon là quá trình thu giữ CO₂ từ không khí hoặc các nguồn phát thải, sau đó chuyển hóa thành dạng ổn định và lưu trữ lâu dài. Trong khi các phương pháp trước đây như bơm carbon xuống lòng đất hay lưu trữ dưới đáy đại dương tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn về mặt kỹ thuật, việc tận dụng vật liệu xây dựng để lưu trữ carbon mang lại một hướng tiếp cận khả thi hơn. Nghiên cứu đã tính toán khả năng lưu trữ carbon của các vật liệu xây dựng phổ biến bao gồm bê tông, nhựa đường, nhựa, gỗ và gạch.
Trên toàn cầu, hơn 30 tỷ tấn các vật liệu này được sản xuất mỗi năm, mang lại tiềm năng khổng lồ cho việc lưu trữ carbon. Bê tông là ứng viên tiềm năng nhất vì đây là vật liệu xây dựng phổ biến nhất thế giới, với hơn 20 tỷ tấn được sản xuất mỗi năm. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc bổ sung carbon vào cốt liệu bê tông thông qua các phương pháp như sử dụng đá nhân tạo có khả năng lưu trữ carbon hoặc thêm than sinh học vào hỗn hợp bê tông có thể đem lại hiệu quả lớn. Chỉ cần 10% lượng cốt liệu bê tông được cải tiến để lưu trữ carbon, nó có thể hấp thụ tới 1 gigaton CO₂ mỗi năm. GS Sabbie Miller - Đại học California, Davis (Hoa Kỳ) cho biết, nếu thực hiện được, ngay cả một lượng nhỏ carbon được lưu trữ trong bê tông cũng có thể tạo ra tác động đáng kể.
Ngoài bê tông, các vật liệu khác cũng có tiềm năng lưu trữ carbon. Nhựa đường, nhựa sinh học,và gạch làm từ sợi sinh khối đều là những lựa chọn đầy hứa hẹn. Đặc biệt, việc sử dụng nguyên liệu đầu vào từ chất thải giá trị thấp (như sinh khối), giúp tăng giá trị kinh tế của các quy trình sản xuất mới này. Elisabeth Van Roijen nhận định, điều này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn mà còn tạo ra những cơ hội phát triển bền vững. Một số công nghệ vẫn cần được thử nghiệm thêm để xác nhận hiệu suất và khả năng lưu trữ carbon, tuy nhiên nhiều công nghệ đã sẵn sàng để áp dụng. Nghiên cứu này cho thấy, lưu trữ carbon trong vật liệu xây dựng không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế và môi trường.
Nhóm nghiên cứu chia sẻ, khi các công nghệ này được triển khai rộng rãi, chúng không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần xây dựng một tương lai bền vững hơn, đồng thời mở ra cơ hội mới cho ngành xây dựng trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
TXB (theo Science Daily)