Thứ hai, 03/02/2025 14:51

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện 2 Nghị quyết nêu trên với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”:

Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST); tiếp tục tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST. Cụ thể:

Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ xem xét quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 03 Dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật KHCN&ĐMST; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù về KHCN&ĐMST, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích KHCN&ĐMST phát triển để KHCN&ĐMST thực sự trở thành động lực chính đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển tổ chức KH&CN công lập; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả thị trường KH&CN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN.

Nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật KH&CN theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu KHCN&ĐMST theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch.

Đồng thời, Bộ sẽ tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết; không để phát sinh thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật mới không phù hợp, làm tăng chi phí, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KHCN&ĐMST; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN&ĐMST

Bộ sẽ thực hiện phân bổ, thông báo vốn đầu tư công cho từng dự án theo đúng quyết định của các cấp có thẩm quyền. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công trong lĩnh vực KHCN&ĐMST. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay. Đảm bảo quản lý và sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiến độ theo kế hoạch.

Phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược. Đẩy mạnh phát triển đồng bộ hạ tầng thông tin, thống kê, thư viện về KHCN&ĐMST; hoàn thiện và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN&ĐMST.

Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi

Bộ sẽ thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Nâng cao mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ KH&CN, đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công do Bộ KH&CN quản lý. Xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Bộ KH&CN có nền tảng vững chắc về tư tưởng chính trị, chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và dám đưa ra những giải pháp đột phá, nhất là trong xử lý những tình huống phức tạp, điểm nghẽn; có cơ chế, chính sách tạo động lực, bảo vệ cán bộ, công chức làm việc, cống hiến, vì lợi ích chung. Tăng cường hiệu quả quản lý thực hiện nhiệm vụ KH&CN, giảm thiểu việc gia hạn thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo đúng tiến độ phê duyệt...

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế

Theo đó, Bộ sẽ tập trung triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ ngành KH&CN giai đoạn đến năm 2025. Nâng cao tiềm lực KH&CN, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu KH&CN có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới; tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao ưu tiên phát triển. Phối hợp với các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập; tổ chức đánh giá, sáp nhập giải thể các tổ chức KH&CN công lập hoạt động không hiệu quả để tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho các tổ chức mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; đầu tư năng lực cho các tổ chức nghiên cứu phát triển công lập. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phát triển xanh, chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch và chuyển đổi số. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp KHCN&ĐMST trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Phát triển mạng lưới kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào các công nghệ chiến lược và chuyển đổi số. Xây dựng, triển khai cơ chế trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút, trọng dụng, sử dụng các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ tài năng; nghiên cứu, thí điểm chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội phù hợp với các quy luật của thị trường lao động. Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2030. Kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, thông tin thống kê KH&CN và sàn giao dịch công nghệ ở các địa phương tạo thành mạng lưới thống nhất, toàn diện để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trong đó ưu tiên triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, hiện đại và gắn với công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST. Tiếp tục xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với khu vực và quốc tế; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất và chất lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tập trung thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực xử lý đơn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội. Triển khai có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Phát huy hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển KH&CN quốc gia. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân; tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng rộng rãi các giải pháp, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình...

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời với vai trò được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số Năng lực Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO). Duy trì thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) trong năm 2025. Nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Chủ động nghiên cứu, rà soát, cập nhật ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công của Bộ KH&CN. Rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh; cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin liên quan khác. Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.  

Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ để tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã 8 hội; đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam

Bộ sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ về khoa học lý luận và KH&CN phục vụ nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ưu tiên cao nhất để đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế: đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KHCN&ĐMST thông qua các kế hoạch hợp tác dài hạn tầm quốc gia; thúc đẩy sự tham gia hiệu quả vào các thiết chế đa phương trong lĩnh vực KHCN&ĐMST; tăng cường triển khai các chương trình nghiên cứu quốc tế, các nhiệm vụ hợp tác song phương với các quốc gia tiên tiến hướng tới giải quyết những vấn đề thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học hình thành quan hệ đối tác chiến lược trong nghiên cứu và phát triển với các viện, trường, doanh nghiệp mạnh của nước ngoài; thu hút chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam. Mở rộng, phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài.

CM

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)