Thứ hai, 19/05/2025 12:21

Phát huy đổi mới sáng tạo khu vực công

ThS Nguyễn Thị Hiền

Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam

“Trong khi phần lớn chúng ta thường tập trung vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong khu vực doanh nghiệp thì ĐMST trong khu vực công cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đây là nhận định được nêu trong “Cẩm nang ĐMST khu vực công” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mới công bố. Bài viết giới thiệu một số điểm chính về khái niệm, các xu hướng và khung năng lực ĐMST cho cán bộ khu vực công được rút ra từ tài liệu này.

Đổi mới sáng tạo khu vực công là gì?

Cẩm nang ĐMST khu vực công dẫn lại định nghĩa mới nhất của Liên hợp quốc: “ĐMST là nghệ thuật tạo ra và thực hiện cải tiến các quy trình, hệ thống, dịch vụ hoặc cách làm việc mới nhằm mang lại những thay đổi và tác động tích cực. Điều này cũng có thể bao gồm việc áp dụng những ý tưởng hoặc cách làm việc đã có sẵn theo một cách khác hoặc vào một bối cảnh khác. ĐMST đơn giản là làm cho mọi thứ tốt hơn. Bất kể quy mô nỗ lực được bỏ ra, ĐMST liên quan đến việc chuyển đổi ý tưởng thành giải pháp thực tế mang lại giá trị, giải quyết vấn đề hoặc đáp ứng nhu cầu cụ thể”.

Phân tích định nghĩa trên, Cẩm nang cho thấy có 3 đặc tính quan trọng được đề cập về ĐMST: 1) ĐMST không chỉ đơn thuần dừng lại ở dạng ý tưởng, nó cần được ứng dụng thành một giải pháp thực tế, giải quyết những vấn đề cụ thể; 2) ĐMST phải có tính mới (không nhất thiết phải hoàn toàn mới, nó mang tính tương đối như việc áp dụng những ý tưởng có sẵn ở đâu đó theo một cách khác hoặc một bối cảnh khác nhưng mới với việc tổ chức thực hiện ý tưởng đó); 3) ĐMST cần làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn.

Có thể nhận thấy, điểm khác nhau lớn nhất giữa ĐMST trong khu vực tư và ĐMST trong khu vực công nằm ở mục đích của hoạt động ĐMST. Trong khi mục tiêu của ĐMST thông thường là giúp các doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh nhằm đạt lợi nhuận cao hơn thì ĐMST khu vực công hướng tới đưa ra hoặc cải thiện các dịch vụ công đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Các xu hướng đổi mới sáng tạo khu vực công trên thế giới và Việt Nam

Nhóm tác giả của Cẩm nang ĐMST khu vực công thông qua một số nghiên cứu quốc tế gần đây cho rằng, ĐMST khu vực công có một số xu hướng chung như: gia tăng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, tăng cường áp dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan thuộc khu vực công; loại bỏ bớt các dịch vụ công không còn phù hợp; hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ công; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, khu vực công trên thế giới đang xuất hiện những xu hướng mới. Cụ thể là:

Thứ nhất, áp dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng trong thiết kế và cung cấp các chính sách, dịch vụ, yêu cầu chính phủ cần có trách nhiệm giải trình hướng tới việc đảm bảo các thuật toán và dữ liệu cơ bản không thiên vị và phân biệt đối xử, đồng thời cán bộ khu vực công hiểu được nguyên tắc đạo đức trong sử dụng dữ liệu.

Thứ hai, chuyển đổi các hệ thống chăm sóc sức khỏe bằng cách áp dụng sự đồng cảm để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần, đồng thời khai thác các công nghệ tiên tiến nhằm cách mạng hóa quy trình chăm sóc sức khỏe.

Thứ ba, phương pháp tiếp cận sáng tạo để tăng cường sự tham gia của người bản địa trong việc bảo vệ di sản văn hóa, hướng tới sự công bằng hơn và tăng cường sức khỏe cho các gia đình, cũng như cộng đồng bản địa.

Thứ tư, phát triển và củng cố sự tham gia của công chúng đi kèm với việc trao quyền trong thiết lập các tiêu chuẩn mới về sức khỏe và môi trường.

Tại Việt Nam, Cẩm nang ĐMST khu vực công đã chỉ ra hai xu hướng chủ yếu trong ĐMST khu vực công:

Một là, hoàn thiện hệ thống chính phủ điện tử, chính phủ số tại Việt Nam. Các sáng kiến trong xu hướng này (chủ yếu trong việc chuyển đổi số và thực thi các dịch vụ công) vận động theo mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của hệ thống Chính phủ, sự tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Hai là, hợp tác công - tư trong triển khai và thực thi các công trình công mang lại nhiều hiệu quả rõ nét, nhất là khi nhu cầu hạ tầng ngày càng tăng, vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. 

Theo Cẩm nang ĐMST khu vực công, Việt Nam đã có nỗ lực đáng kể trong ĐMST khu vực công nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện quản lý nhà nước. Các sáng kiến này bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phát triển dịch vụ công trực tuyến và cải thiện hệ thống quản lý tài chính, nhân sự. Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong việc hình thành và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, ban hành các chính sách thúc đẩy ĐMST, hình thành thể chế hỗ trợ ĐMST, chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính.

Các cán bộ khu vực công (chủ thể của ĐMST khu vực công) đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các công cụ chính sách nhằm quản lý, điều hành, thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động, đối tượng, chủ thể khác nhau. Do vậy, năng lực, kỹ năng, phẩm chất và tư duy của các cán bộ làm việc trong khu vực công cần liên tục phát triển và đáp ứng với bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, khó dự đoán.

Khung năng lực đổi mới sáng tạo cho cán bộ khu vực công

Các tác giả của Cẩm nang ĐMST khu vực công cho rằng, hiện tại ở Việt Nam, khung năng lực và vị trí việc làm đã và đang được điều chỉnh và quy định theo ngành, lĩnh vực và các nhóm năng lực về quản lý (tư duy chiến lược, quản lý sự thay đổi, ra quyết định, quản lý nguồn lực, phát triển nhân viên), nhưng các yếu tố trọng yếu về thực hành ĐMST, hỗ trợ và phát triển ĐMST thì chưa rõ nét. Từ tham chiếu một số khung năng lực của cán bộ khu vực công trên thế giới và Việt Nam, hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho cán bộ khu vực công có thể tiếp cận và xây dựng tư duy ĐMST, có cách thức tiếp cận mới và bổ trợ cho công việc thường ngày, các tác giả này đã đưa ra một số kỹ năng chung quan trọng cho cán bộ khu vực công như sau:

Tư duy đặt người dân vào trung tâm. Đây là yếu tố cốt lõi để xây dựng hệ thống dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ công thuận tiện, đáp ứng và dự báo được nhu cầu của công dân.

Tư duy dựa trên dữ liệu thực chứng và hiểu biết về công nghệ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang phát triển hết sức nhanh chóng như hiện nay. Dữ liệu thực chứng là căn cứ nền tảng để xây dựng chính sách, dịch vụ công sát nhất với thực tiễn.

Tư duy hệ thống, tư duy chiến lược. Cần có cái nhìn tổng thể, khách quan, đa chiều, xây dựng tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Tư duy dám nghĩ, dám làm. Dám thử nghiệm những phương thức mới, công cụ mới, cách nghĩ mới để xử lý những vấn đề gặp phải, không né tránh, không bàn lùi.

Tư duy quản lý sự thay đổi. Cần thực thi linh hoạt và sẵn sàng cho việc thay đổi, điều chỉnh.

Để giúp cán bộ khu vực công hoàn thiện tốt hơn khung năng lực nêu trên, Cẩm nang đã mô tả các khung tư duy ĐMST để hỗ trợ quy trình chính sách công và hướng dẫn cụ thể cách thức sử dụng các công cụ ĐMST để tăng cường năng lực ĐMST khi giải quyết các vấn đề cụ thể.

*

*      *

Cẩm nang ĐMST khu vực công được xây dựng với trọng tâm là các cán bộ khu vực công, tập trung vào việc giải quyết vấn đề của đối tượng thụ hưởng chính sách. Với cách viết đối thoại và thiết kế dễ hiểu, Cẩm nang truyền đạt các nội dung theo cách đơn giản, dễ tiếp cận; từ đó, khuyến khích sự áp dụng ĐMST khu vực công, nhằm đưa ra các giải pháp thực tiễn. Cẩm nang được kỳ vọng sẽ giúp các cán bộ khu vực công nâng cao năng lực ĐMST và tăng hiệu quả thực thi công vụ.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)