Tây Ninh là địa phương sở hữu nhiều sản phẩm đặc trưng gắn liền với văn hóa, lịch sử và đời sống người dân bản địa. Việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương mà còn là cách để gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa và khơi dậy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng. Nổi bật trong số đó là bánh tráng Tân Nhiên - sản phẩm OCOP 4 sao - không chỉ có chất lượng cao mà còn phản ánh nét đặc sắc của ẩm thực truyền thống Tây Ninh. Một số sản phẩm khác cũng đang được quảng bá thông qua các hoạt động trải nghiệm như nghề làm bánh tráng phơi sương - thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Bánh tráng Tây Ninh là một trong số các sản phẩm nổi bật đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)
Để thúc đẩy tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, tỉnh đã gắn kết chương trình này với phát triển du lịch. Hàng loạt điểm bán sản phẩm OCOP đã được thiết lập tại các địa danh nổi tiếng như Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài, Trung tâm thương mại Long Hoa, chùa Gò Kén... Đồng thời, tỉnh cũng đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại - du lịch trong và ngoài tỉnh. Về mặt hỗ trợ, Tây Ninh đang triển khai chính sách trợ giá xây dựng điểm bán OCOP tại các khu vực đông người, với mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/điểm (tối thiểu 20 m², ít nhất 50% hàng hóa là sản phẩm OCOP của tỉnh). Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu (tối đa 35 triệu đồng/sản phẩm) và kinh phí thiết kế bao bì, in tem tương ứng với mức xếp hạng sao: 10 triệu đồng cho sản phẩm 3 sao, 20 triệu đồng cho 4 sao và 30 triệu đồng cho 5 sao.
Hiện toàn tỉnh đã xây dựng và khai thác 29 mô hình OCOP tiêu biểu, tập trung vào 10 nhóm sản phẩm đặc trưng. Những mô hình này không chỉ giúp các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, cải tiến chất lượng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trong thời gian tới, Tây Ninh định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống, làng nghề. Việc hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn kết nối với vùng sản xuất đặc sản địa phương không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm OCOP mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng dân cư nông thôn.
NMK