
TP Hồ Chí Minh ra sức đẩy mạnh phát triển kinh tế số (ảnh: Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh).
TP đã đề ra mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2030, kinh tế số đóng góp ít nhất 40% GRDP và đến năm 2045 là 50%. Mục tiêu này gắn liền với chiến lược phát triển TP thành đô thị thông minh và trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Tầm nhìn dài hạn của TP Hồ Chí Minh được cụ thể hóa bằng 4 trụ cột chiến lược rõ ràng: Một là, phát triển Fintech - hướng tới trở thành trung tâm tài chính số của khu vực, nơi các mô hình ngân hàng số, ví điện tử, ứng dụng Blockchain và cơ chế sandbox tài chính được thúc đẩy mạnh mẽ;
Hai là, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong như AI, công nghệ sinh học, môi trường và mô hình kinh doanh xanh phù hợp với định hướng phát triển bền vững;
Ba là, phát triển logistics thông minh, trong đó chuỗi cung ứng toàn diện được số hóa và tích hợp với các hệ thống hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, khu công nghiệp thông qua nền tảng dữ liệu lớn và AI;
Bốn là, định vị Thành phố như một trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo quy mô khu vực, với việc xây dựng các trung tâm dữ liệu hiện đại và thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu mở văn phòng R&D tại đây. Để hiện thực hóa chiến lược này, Thành phố tập trung mạnh vào nâng cấp hạ tầng công nghệ. Từ năm 2020, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên tại Việt Nam triển khai 5G. Cùng với đó, các dự án về cảm biến thông minh và quản lý dữ liệu thời gian thực đang được áp dụng rộng rãi trong quản lý đô thị, giao thông và môi trường. Năm 2024, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) được thành lập tại Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức (nay là phường Thủ Đức), hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các tập đoàn lớn như Viettel, CMC, Techcombank, đánh dấu bước tiến lớn trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ toàn diện. Ngoài ra, trung tâm dữ liệu quy mô lớn của Viettel tại Củ Chi (nay là huyện Củ Chi) và hạ tầng tại SHTP - nơi quy tụ các tập đoàn như Intel, Nidec - tiếp tục củng cố vai trò hạt nhân của Thành phố trong chuỗi giá trị số toàn cầu.
Song song với hạ tầng kỹ thuật, Thành phố cũng chú trọng hoàn thiện khung pháp lý và thể chế hỗ trợ. Nghị quyết 98/2022/QH15 về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện để TP triển khai các chính sách ưu đãi, từ thuế, đầu tư đến thử nghiệm sandbox trong fintech và công nghệ mới. Luật hóa các cơ chế thử nghiệm công nghệ giúp startup vận hành mô hình kinh doanh sáng tạo trong một không gian pháp lý cởi mở. Bên cạnh đó, các giải pháp chính phủ số và định danh điện tử quốc gia (VNeID) đang được đồng bộ với mục tiêu đến năm 2025 sẽ phủ rộng cho cả người nước ngoài, tạo nền tảng cho các dịch vụ công số hiệu quả và an toàn. Về an ninh mạng, TP cũng chú trọng đầu tư hạ tầng bảo mật dữ liệu, tuân thủ Luật An ninh mạng 2018 và Luật An toàn thông tin 2015 để bảo vệ hệ sinh thái số phát triển bền vững. Một nền kinh tế số chỉ có thể bền vững khi được nâng đỡ bởi nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh coi con người là trung tâm của chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phổ cập kỹ năng số ở mọi cấp, từ đào tạo ngắn hạn đến chiến lược học tập suốt đời, đồng thời thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm đào tạo - ươm tạo và doanh nghiệp để bảo đảm nội dung đào tạo sát thực tế. Những chính sách đãi ngộ trí thức, vinh danh các chuyên gia công nghệ cũng góp phần thu hút và giữ chân nguồn nhân lực số. Thành phố cũng mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chính quyền Thành phố Seoul (Hàn Quốc) và nhiều tổ chức quốc tế khác nhằm trao đổi kinh nghiệm quản trị kinh tế số và đô thị thông minh.
Những định hướng chiến lược này không dừng lại ở tầm nhìn, mà đã và đang được hiện thực hóa qua nhiều ứng dụng thực tiễn. Thành phố trở thành trung tâm Fintech sôi động, với hàng loạt startup và ngân hàng số xuất hiện, cung cấp dịch vụ đa dạng. Logistics thông minh được triển khai rộng rãi, giúp giảm chi phí vận hành tại cảng biển, kho bãi và chuỗi cung ứng. Trong số hơn 260.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, khoảng 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đã ứng dụng các nền tảng số, và TP đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ riêng cho khối doanh nghiệp này. Kinh tế số cũng đang tích hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp thúc đẩy kinh doanh xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng từ năm 2020 đến nay. Không dừng lại ở quy mô nội đô, TP Hồ Chí Minh chủ động kết nối vùng và hội nhập quốc tế trong hành trình phát triển kinh tế số. Là một trong 26 Thành phố tham gia Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN, Thành phố tích cực chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với các đô thị lớn trong khu vực. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giúp xây dựng hạ tầng số liên thông và chuỗi logistics xuyên vùng, tạo nên một thị trường số thống nhất và bền vững hơn. Với các hạt nhân như SHTP và C4IR, TP thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao và các chuyên gia quốc tế đến làm việc, học tập và nghiên cứu phát triển.
Dù vậy, hành trình phát triển kinh tế số của TP Hồ Chí Minh cũng đối mặt với không ít thách thức. Sự phân hóa số vẫn tồn tại giữa các doanh nghiệp lớn và SME - nhóm doanh nghiệp còn hạn chế về vốn, công nghệ và năng lực triển khai. TP cần xây dựng các chương trình hỗ trợ tài chính, đào tạo và nền tảng số riêng cho khối SME để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, việc đo lường đóng góp của kinh tế số vào GRDP hiện vẫn có sự khác biệt giữa các báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) và Tổng cục Thống kê. Do đó, TP cần khẩn trương thiết lập hệ thống đánh giá định kỳ, linh hoạt theo thời gian và lĩnh vực. Ngoài ra, an ninh mạng cũng là vấn đề then chốt khi quá trình số hóa diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi phải có hệ thống quản trị dữ liệu an toàn, tin cậy và luật pháp đủ sức bảo vệ người dùng. Cuối cùng, việc đồng bộ hạ tầng vùng miền là điều kiện tiên quyết để tránh tình trạng “đô thị độc lập số”, tạo ra sức mạnh liên kết và nâng cao năng lực cạnh tranh cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ trong chuyển đổi số với định vị rõ ràng là đầu tàu kinh tế số của quốc gia và khu vực. Với hệ thống hạ tầng hiện đại, chính sách đột phá, nhân lực chất lượng cao và liên kết toàn diện trong - ngoài nước, Thành phố có đầy đủ nền tảng để phát triển kinh tế số toàn diện, hiệu quả và bền vững. Khi các nút thắt về pháp lý, nhân lực và kết nối được tháo gỡ triệt để, TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là trung tâm kinh tế số mà còn là hình mẫu tiên phong về đô thị thông minh và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ XVI.
NMK (tổng hợp)