
TP Hồ Chí Minh hướng tới phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0 (ảnh: Báo Chính phủ).
Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp đang được triển khai theo mô hình tích hợp giữa hạ tầng điện mặt trời, hệ thống lưu trữ năng lượng và chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư sản xuất xanh. Một trong những ví dụ tiêu biểu cho mô hình này là nhà máy LEGO tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 (VSIP 3), TP Hồ Chí Minh. Với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, đây là nhà máy đầu tiên của Tập đoàn LEGO tại châu Á, đồng thời là cơ sở sản xuất thân thiện với môi trường nhất của Tập đoàn trên toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại. Nhà máy dự kiến vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo từ đầu năm 2026 thông qua hệ thống 12.400 tấm pin mặt trời áp mái. Ngoài ra, LEGO còn phối hợp với VSIP xây dựng một trung tâm năng lượng tích hợp ngay tại khu vực lân cận, trong đó có hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin quy mô lớn - giải pháp tiên phong tại Việt Nam. Việc triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng không chỉ giúp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, mà còn tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong các chuỗi cung ứng, hướng đến mô hình sản xuất thông minh, bền vững và tự chủ năng lượng.
Không dừng lại ở một mô hình đơn lẻ, xu hướng này đang lan tỏa trên toàn hệ thống các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) - hai cổ đông sáng lập VSIP - từ năm 2019 đã ký kết thỏa thuận phát triển công ty liên doanh chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng thông minh tại Việt Nam. Đơn vị thành viên là Sembcorp Smart Energy Solutions Việt Nam đã triển khai nền tảng năng lượng tích hợp tại các khu công nghiệp do Becamex và VSIP phát triển, cung cấp dịch vụ điện mặt trời áp mái, năng lượng lưu trữ và quản lý năng lượng tập trung (EMS). Với hạ tầng năng lượng tái tạo quy mô lớn, các khu công nghiệp này không chỉ đảm bảo cung ứng điện ổn định cho doanh nghiệp, mà còn góp phần hiện thực hóa định hướng xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp xanh, nơi các nhà đầu tư có thể đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện các cam kết khí hậu. VSIP 3 (với quy mô 1.000 ha) là một trong những dự án tiêu biểu với trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ rộng 50 ha, đã quy hoạch để cung cấp năng lượng trực tiếp cho các nhà máy trong khu. Dự án cũng tiên phong ứng dụng công nghệ số trong giám sát tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải. Tiếp nối thành công này, tháng 05/2025, Becamex IDC tiếp tục khởi công hai khu công nghiệp chiến lược là Cây Trường (700 ha) và Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 (380 ha), được quy hoạch gần các cụm năng lượng tái tạo quy mô lớn nhằm tạo ra quần thể liên kết công nghiệp - năng lượng, tối ưu hóa việc cấp điện xanh cho các nhà đầu tư. Mô hình này cho phép triển khai song song điện mặt trời áp mái, điện mặt trời mặt đất, kết hợp với các dạng năng lượng khác như điện gió, điện sinh khối… tạo ra nguồn cung đa dạng, giảm rủi ro gián đoạn và tăng khả năng điều tiết. Có thể khẳng định, trọng tâm của chiến lược là cung cấp năng lượng sạch và ổn định, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí vận hành và tiếp cận các thị trường xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn ESG. Mô hình này đang được nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm, logistics quan tâm và sẵn sàng đầu tư dài hạn.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 64/67 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp - xuất khẩu. Thành phố đang định hướng tất cả các khu công nghiệp chuyển sang mô hình “khu công nghiệp sinh thái”, tích hợp năng lượng tái tạo, tuần hoàn nước, xử lý chất thải và sử dụng nguyên liệu tái chế. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp và các nhà đầu tư hạ tầng, vai trò kiến tạo của Nhà nước trong xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), đầu tư hạ tầng truyền tải và ưu đãi thuế cho sản xuất xanh là điều kiện tiên quyết để nhân rộng mô hình này. Đặc biệt, việc tích hợp các trung tâm lưu trữ điện và công nghệ quản lý năng lượng bằng AI sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai, giúp khu công nghiệp không chỉ là nơi sản xuất mà còn là nút trung chuyển năng lượng thông minh trong đô thị công nghiệp hiện đại.
TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% khu công nghiệp mới quy hoạch sẽ tích hợp năng lượng tái tạo trong thiết kế hạ tầng và có lộ trình chuyển đổi toàn bộ sang mô hình phát thải thấp. Đây là một phần trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế tuần hoàn, phù hợp với định hướng của Chính phủ và các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA hay CPTPP - trong đó tiêu chuẩn phát thải, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận xanh là yếu tố then chốt để tiếp cận thị trường toàn cầu. Trong hành trình hướng đến phát triển công nghiệp bền vững và đô thị phát thải thấp, TP Hồ Chí Minh đang vươn lên thành điểm sáng trong khu vực về năng lượng xanh và mô hình khu công nghiệp thế hệ mới.
NMK (tổng hợp)