Thứ sáu, 18/07/2025 16:11

TP Hồ Chí Minh định hình trung tâm công nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững

Ngày 17/07/2025, Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Cơ hội vàng từ bất động sản công nghiệp TP Hồ Chí Minh”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, quy hoạch và đầu tư, phản ánh tầm nhìn dài hạn của TP Hồ Chí Minh trong việc phát triển trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, xanh và tích hợp toàn diện trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo (nguồn: IPTC).

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc ITPC Cao Thị Phi Vân khẳng định, sau khi mở rộng địa giới hành chính và sáp nhập với hai địa phương năng động là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh đã trở thành một thực thể kinh tế đặc biệt, sở hữu nền kinh tế đa trụ cột và có khả năng dẫn dắt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố hiện hội tụ được ba thế mạnh lớn gồm tiềm lực tài chính và thương mại từ vai trò trung tâm quốc gia, động lực công nghiệp tiên tiến từ Bình Dương, và hệ sinh thái logistics - cảng biển, cùng với tiềm năng phát triển du lịch biển và nông nghiệp đô thị từ Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự kết hợp này đã tạo ra tiền đề cho một chuỗi giá trị khép kín nội vùng - nơi sản xuất công nghiệp, dịch vụ logistics, tài chính và tiêu dùng được tích hợp, giúp giảm chi phí giao dịch, tối ưu hóa hiệu quả chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cạnh tranh cho toàn khu vực. TP Hồ Chí Minh vì thế không chỉ giữ vai trò là trung tâm sản xuất, mà còn là nơi hội tụ của hệ sinh thái kinh tế bền vững và năng động bậc nhất cả nước. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh mới cũng có những điều kiện xã hội thuận lợi để thu hút đầu tư lâu dài. Với dân số trên 13,5 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa đạt 78%, TP sở hữu lực lượng lao động dồi dào, trẻ và đang được nâng cao trình độ nhờ chính sách phát triển giáo dục và đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường. TP Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vị thế là siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam có thể cạnh tranh với các trung tâm công nghiệp quốc tế cả về quy mô, chất lượng lẫn khả năng kết nối vùng.

Theo Phó Trưởng ban Hepza Trần Việt Hà, sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hồ Chí Minh hiện có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 27.000 ha. Tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050 của Thành phố đặt mục tiêu mở rộng lên 105 khu công nghiệp và khu chế xuất, với tổng diện tích khoảng 49.000 ha, xác lập vị thế là trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn từ năm 2025 đến 2030, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút tổng vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp đạt từ 20 đến 21 tỷ USD, với suất đầu tư trung bình từ 8 đến 10 triệu USD mỗi ha. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân kỳ vọng đạt 70% tổng vốn đăng ký, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Chiến lược phát triển công nghiệp của TP Hồ Chí Minh hiện nay được định hình bởi trọng tâm vào công nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực xanh, bền vững. Thành phố ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng lớn và ít tác động tiêu cực đến môi trường. Cụ thể, đó là các ngành như điện tử - bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine Learning), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ sinh học, vật liệu mới và công nghiệp môi trường. Đây là những ngành có tiềm năng chiến lược, đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế số và công nghiệp 4.0, mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài cho Thành phố trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và kinh tế xanh. Một điểm nhấn đáng chú ý trong định hướng phát triển công nghiệp của TP Hồ Chí Minh là chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình sinh thái. Khu công nghiệp Hiệp Phước là một trong những dự án thí điểm chuyển đổi đầu tiên. Theo đó, Thành phố đang từng bước xây dựng các chuỗi cộng sinh công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải của doanh nghiệp này được tái sử dụng như nguồn đầu vào cho doanh nghiệp khác. Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo thêm giá trị gia tăng và tăng tính bền vững cho toàn khu.

Hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia, nhà đầu tư cùng nhìn nhận lại xu hướng phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp trong bối cảnh mới. Theo nhận định của nhiều đại biểu, thị trường đang bước vào giai đoạn chọn lọc khắt khe hơn, khi các tiêu chí như pháp lý rõ ràng, vị trí chiến lược, hạ tầng kết nối thuận tiện, năng lực vận hành và khả năng sinh lời thực chất ngày càng được coi trọng. Không còn là thị trường của những dự án đầu tư đại trà, bất động sản công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đang chuyển mình theo hướng tích hợp đa chức năng, từ sản xuất, logistics đến nghiên cứu - phát triển và đào tạo nhân lực. Đây là xu hướng tất yếu để thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững, vừa đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Một yếu tố nền tảng thúc đẩy quá trình này là sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kết nối vùng. Với vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh đang được liên kết bằng hệ thống cảng biển quốc tế, mạng lưới cao tốc và các tuyến đường vành đai. Những công trình trọng điểm như đường Vành đai 3, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Dầu Giây, và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường và mở rộng không gian phát triển công nghiệp cho toàn vùng. Đồng thời, việc đầu tư song song vào hạ tầng số - bao gồm trung tâm dữ liệu, kết nối mạng tốc độ cao và giải pháp số hóa quản lý - đang giúp TP Hồ Chí Minh sẵn sàng cho thế hệ khu công nghiệp mới. Tại đây, các công nghệ như tự động hóa, AI và phân tích dữ liệu lớn sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quản lý vận hành, từ đó tối ưu hiệu quả và giảm thiểu tác động môi trường. Với định hướng tập trung vào công nghệ cao, công nghiệp xanh, hạ tầng tích hợp và môi trường đầu tư minh bạch, TP Hồ Chí Minh đang từng bước định vị là một hình mẫu đô thị công nghiệp thông minh và bền vững, có sức hút đầu tư mạnh mẽ và năng lực cạnh tranh toàn cầu.

NMK (tổng hợp)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)