.jpg)
TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu duy trì tỷ lệ chi trên 3% ngân sách địa phương cho S.T.I.D.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành, UBND phường, xã, đặc khu và các ban quản lý dự án tăng tốc thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2025. Theo đó, việc giải ngân cho các nhiệm vụ S.T.I.D không còn là khoản chi mềm hay linh hoạt, mà được đưa vào hệ thống đánh giá thi đua, kỷ luật hành chính - gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị. Đặc biệt, UBND Thành phố chỉ đạo các phường, xã, đặc khu - các đơn vị hành chính mới được sắp xếp - chủ động đề xuất kinh phí đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin theo mô hình chính quyền địa phương mới. Đây là động thái nhằm đảm bảo các thiết chế công vụ vận hành ổn định, đồng bộ trong giai đoạn hậu sáp nhập, đồng thời tạo nền tảng cho chính quyền số được vận hành xuyên suốt từ cấp cơ sở.
Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh được giao vai trò đầu mối rà soát và đề xuất danh mục đầu tư trọng điểm năm 2025, ưu tiên các hạng mục hạ tầng số, dữ liệu mở và trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động hành chính - dịch vụ công của các phường, xã sau sắp xếp. Ngoài ra, Sở còn được giao chủ trì đề xuất hoặc tham mưu UBND Thành phố trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thủ tục và nguồn lực tài chính cho các nhiệm vụ S.T.I.D. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ và phát huy hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp - một trong những nguồn lực xã hội hóa quan trọng trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương.
Trên phương diện hoạch định ngân sách, Sở Tài chính được giao xây dựng lộ trình tăng dần tỷ lệ chi cho S.T.I.D trong kế hoạch tài chính trung hạn ba năm cũng như dự toán hằng năm. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ duy trì tỷ lệ chi trên 3% ngân sách địa phương cho các lĩnh vực này, tạo động lực bền vững cho mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức và công nghệ.
Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang mở rộng địa giới hành chính và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp cơ sở, việc đảm bảo hạ tầng số, nguồn lực tài chính và cơ chế triển khai cho đổi mới sáng tạo trở thành yêu cầu cấp thiết. Từ các robot phục vụ nước uống ở phường Thủ Đức, đến các nền tảng dữ liệu dùng chung phục vụ quản trị đô thị thông minh, Thành phố đang từng bước đưa công nghệ vào phục vụ người dân và cải thiện hiệu quả vận hành chính quyền. Việc đưa đổi mới sáng tạo vào cấu trúc chi ngân sách cứng không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền TP Hồ Chí Minh, mà còn là tiền đề để kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, đồng bộ, liên thông từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố - hướng đến hình mẫu đô thị thông minh, xanh và phát triển bền vững.
NMK