Thứ tư, 28/07/2021 10:27

Làm chủ công nghệ sản xuất sợi thuỷ tinh dùng cho thông tin quang

Thông qua việc thực hiện dự án thuộc Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao giai đoạn đến 2030 do Bộ Công Thương quản lý, Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện đã đầu tư nghiên cứu, xây dựng nhà máy và sản xuất thành công sợi thuỷ tinh dùng cho thông tin quang, đánh dấu bước chuyển trong việc chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và sử dụng sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin trong nước.

Đón đầu xu hướng

Cáp quang là phương tiện truyền dẫn tín hiệu internet bằng sợi thủy tinh được 2 nhà khoa học là Charles Kuen Kao và George Hockman (Phòng thí nghiệm chuẩn viễn thông Anh) đã khám phá vào những năm 60 của thế kỷ XX. Cơ chế hoạt động của cáp quang là, một thông điệp được chuyển thành xung ánh sáng, di chuyển dọc theo bộ quang đến điểm đầu bên kia. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể đi được một khảng cách ngắn trước khi ánh sáng bắt đầu biến mất. Đây là hiện tượng giảm cường độ theo từng dB/km. Sau nhiều năm nghiên cứu, TS Kao phát hiện ra tình trạng trên không phải do bản chất vốn có của sợi thủy tinh mà bởi một vài khiếm khuyết bên trong vật liệu và nếu loại bỏ những vấn đề đó, tỷ lệ thất thoát ánh sáng giảm xuống mức chấp nhận được là 20 dB/km. Năm 1970, các công ty viễn thông đã quyết định triển khai áp dụng công nghệ này và mạng cáp quang bắt đầu phổ biến ở các thành phố cũng như dưới lòng đại dương nhưng nó chỉ làm nên cuộc cách mạng vào những năm 90 của thế kỷ XX.

Sản phẩm sợi quang do Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện sản xuất.

Với sự phát triển của công nghệ, mạng viễn thông và công nghệ thông tin đã có sự phát triển mạnh mẽ nhờ vào một nền tảng băng rộng do mạng thông tin sợi quang mang lại. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các nhà sản xuất đã có thể sản xuất sợi quang với hiệu suất cao, chất lượng tốt và ổn định, dẫn tới chi phí sản xuất giảm. Thực tế sử dụng cho thấy, sợi quang cho hệ thống thông tin rất hiệu quả với ưu điểm là hao tổn thấp, miễn nhiễm với các nguồn nhiễu điện từ trường, cự ly thông tin xa hơn… Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhu cầu sợi quang năm 2025 sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2015, trong đó chủ yếu đến từ nhu cầu của ngành thông tin và truyền thông, phát thanh và truyền hình. Trước cơ hội đó, Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện (POSTEF) đã đề xuất và được Bộ Công Thương hỗ trợ thực hiện Dự án đầu tư nghiên cứu và xây dựng nhà máy sản xuất sợi thuỷ tinh dùng cho thông tin quang, nhằm chủ động vật tư để phát triển mạng lưới, tạo lợi thế cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác.

ThS Trần Hải Vân - Chủ nhiệm dự án cho biết, dự án đã xây dựng thành công nhà máy sản xuất sợi thủy tinh cùng dây chuyền kéo sợi đồng bộ với sản lượng sản xuất khoảng 3,2 triệu km sợi/năm với chất lượng tương đương các loại sợi quang nhập khẩu cho cả 3 loại sợi (G.652D, G.655 và G.657.A1). Hệ thống thiết bị sản xuất của nhà máy được nhập khẩu từ hãng Rosendahl Nextrom (Australia). Hệ thống thiết bị bao gồm tháp kéo sợi quang theo phương pháp đứng, thiết bị nạp phôi, lò nung cao tần, hệ thống làm mát tốc độ cao, hệ thống phủ và đóng rắn acrylate, thiết bị đóng rắn Acrylate bằng tia UV, thiết bị chống xắn sợi, thiết bị kéo khởi động kéo chính, thiết bị thu sợi kép, hệ thống giám sát đường kính sợi, hệ thống điều khiển trung tâm, thiết bị xử lý hoá học sợi quang bằng khí D2, thiết bị kiểm tra lực căng, chia lô và thiết bị nhuộm màu sợi quang. Đây là dây chuyền dạng kéo đứng hiện đại nhất thế giới, được tích hợp giữa công đoạn kéo sợi và kiểm tra online, tốc độ kéo cao, tương thích với nhiều loại phôi với kích thước khác nhau và dễ dàng nâng cấp.

Chất lượng và hiệu quả mang lại

Trong quá trình thực hiện dự án, nhằm kiểm tra chất lượng sản phẩm sợi quang hoạt động trên mạng viễn thông, Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện đã tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn với các chỉ tiêu đo giá trị suy hao, giá trị tán sắc, độ bền, khả năng chịu kéo, bước sóng cắt, đặc tính hình học sợi, đường kính trường mode và độ cong sợi… dựa trên sự tham khảo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như khuyến nghị của Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU-T) về tiêu chuẩn sợi quang G.652, G.655, G.657.A1; tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 8865:2011); tiêu chuẩn kỹ thuật của các hãng sản xuất sợi quang danh tiếng trên thế giới như Sumitomo (Nhật Bản), Corning (Hoa Kỳ)… Quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm do Công ty sản xuất đều trải qua 3 lần đo kiểm. Đo kiểm lần 1, sau quá trình kéo khởi động sợi quang, kiểm tra: bước sóng cắt, đặc tính hình học sợi và lớp phủ, độ cong tự nhiên của sợi. Đo kiểm lần 2, sau quá trình chia lô sợi quang, kiểm tra thêm các đặc tính tán sắc và kiểm tra xác định các đặc tính bằng thiết bị đo OTDR (Optical Time-Domain Reflectometer) ngoài các tính chất trên. Cuối cùng là đo kiểm lần 3 sau khi sợi đã được nhuộm màu, kiểm tra OTDR một lần nữa. Sản phẩm qua được 3 lần kiểm tra này đảm bảo có chất lượng tương đương các sản phẩm cùng chủng loại đến từ các nhà sản xuất uy tín thế giới.

 Với mức độ tự động hóa và độ chính xác cao, đây là nhà máy đầu tiên của Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện áp dụng mô hình sản xuất thông minh, xưởng sản xuất thông minh. Theo đó, toàn bộ dữ liệu của các công đoạn sản xuất sợi quang liên tục được cập nhật về máy chủ và tự động truyền tín hiệu xử lý về các thiết bị, máy móc… Đặc biệt, nhà máy được xây dựng đều đáp ứng tiêu chuẩn sạch quốc tế cấp độ 6 do Công ty TAIKISHA (Nhật Bản) thiết kế và thi công theo hình thức chìa khóa trao tay EPC. Hiện tại, nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định, các thông số về kỹ thuật đã được kiểm chứng. Dây chuyền sản xuất chính (tháp kéo sợi) là tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000 m sợi/phút, gấp rưỡi mức nền của phương pháp kéo sợi theo chiều thẳng đứng (2.000 m sợi/phút).

Việc nhà máy sản xuất sợi quang đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giúp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hoàn thành mục tiêu làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất và sử dụng sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin thay vì phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài; đồng thời hướng tới xuất khẩu sợi quang sang một số thị trường mà VNPT đang đầu tư, kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Campuchia… Bên cạnh đó, việc chủ động sản xuất sợi quang đã giúp nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ cao của doanh nghiệp trong nước, đảm bảo an toàn thông tin, góp phần phát triển và giúp sớm hiện đại hóa hạ tầng mạng của quốc gia.

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)