Thứ sáu, 05/08/2022 14:31

Đồng Tháp: Đẩy mạnh quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận nông sản đặc thù

Vũ Thị Ngọc Hương, Phan Trọng Tường

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp

Với phương châm phát huy thế mạnh nông sản đặc thù địa phương và xây dựng hình ảnh Đồng Tháp “năng động, nghĩa tình và sáng tạo”, tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông sản đặc thù, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết trong quá trình hội nhập và phát triển.

Vùng đất “Sen hồng”

Tính đến tháng 6/2022, Đồng Tháp đã xác lập thành công quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu cho 25 nông sản đặc thù, trong đó có 21 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có có 8/25 nhãn hiệu (chiếm 32%) có hoạt động cấp phép cho tổ chức/cá nhân sử dụng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm mang nhãn hiệu so với sản phẩm cùng loại, điển hình như: nhãn hiệu chứng nhận “sen Tháp Mười” được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 1.000 tem đã in sẵn cho Công ty Cổ phần đầu tư - thương mại - du lịch Đồng Tháp sử dụng trước từ cuối năm 2018. Giá trị kinh tế của các sản phẩm mang nhãn hiệu cao hơn so với sản phẩm cùng loại. Đồng thời đang thực hiện hướng dẫn hồ sơ cấp phép sử dụng nhãn hiệu cho cơ sở có nhu cầu như Cơ sở Diễm Thúy 2, Công ty Sen Đại Việt, Công ty Khánh Thu. Nhãn hiệu chứng nhận “khô Phú Thọ” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Nông là chủ sở hữu đã hướng dẫn và cấp quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: Cơ sở sản xuất khô cá Lóc, cá Sặc Rằn Hà My; Cơ sở sản xuất khô cá Lóc, cá Sặc Rằn Thanh Tuấn; Công ty Cổ phần Tứ Qúy Đồng Tháp. Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Nông đã mạnh dạn đăng ký chủ trì thực hiện dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “khô Phú Thọ” với tổng kinh phí 325.863.000 đồng, thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016-2020. Thành công của dự án đã giúp chủ sở hữu các nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh có thêm cơ sở, kinh nghiệm để nghiên cứu và áp dụng. Nhãn hiệu chứng nhận “nem Lai Vung” do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lai Vung làm chủ sở hữu đã khai thác tốt giá trị nhãn hiệu sau bảo hộ, cụ thể đã cấp phép sử dụng cho 10 cơ sở sản xuất nem trên địa bàn huyện, góp phần đảm bảo cho người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm. Đối với người sản xuất thông qua việc xây dựng thương hiệu đã giúp nâng cao danh tiếng, uy tín sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Với vai trò là cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ tại địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp luôn chủ động trong công tác tham mưu quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận nông sản đặc thù của tỉnh; xác định đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị nông sản đặc thù gắn với tên địa danh, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản đặc thù, chủ lực địa phương; đồng thời hạn chế các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc, ổn định quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Một số nhãn hiệu sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh Đồng Tháp

Khó khăn và giải pháp tháo gỡ

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng thực tế nông sản tỉnh Đồng Tháp vẫn tồn tại những thách thức và điểm yếu nghiêm trọng cần sớm khắc phục và giải quyết đó là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp kém do chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn hiệu để nhận diện, chưa có truy xuất nguồn gốc, chưa có thương hiệu trên thị trường. Hoạt động cấp phép tuy có được triển khai, nhưng số lượng cơ sở có nhu cầu và được cấp phép sử dụng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn rất hạn chế. Các địa phương và chủ sở hữu các nhãn hiệu còn lúng túng và khó khăn trong việc thực hiện quản lý, phát triển nhãn hiệu vì nhiều nguyên nhân như: (i) Đây là vấn đề mới, mang nhiều đặc tính của một hoạt động kinh tế trong khi đa phần các đơn vị được giao làm chủ sở hữu nhãn hiệu là các đơn vị quản lý nhà nước, thực hiện công tác quản lý nhãn hiệu theo chế độ kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm và phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị tư vấn; (ii) Các sản phẩm nông sản đặc thù chỉ được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng, quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán; iii) Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản chưa nhiều dẫn đến chất lượng không đồng nhất, thiếu ổn định, không đáp ứng các yêu cầu và chỉ tiêu để được cấp phép sử dụng nhãn hiệu; iv) Công tác quảng bá, thông tin tuyên truyền về nhãn hiệu chứng nhận sau bảo hộ chưa nhiều, rất ít chủ sở hữu quan tâm tổ chức hội thảo hoặc công bố nhãn hiệu, thông tin về lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với việc tiêu thụ, phát triển sản phẩm cho các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất trên địa bàn biết và sử dụng. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận cho nông sản đặc thù địa phương, một số giải pháp được đề xuất bao gồm:

Một là, tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý và phát triển thương hiệu cộng đồng với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sự phát triển các sản phẩm OCOP cần dựa trên kết quả và có sự kế thừa, kết nối của các hoạt động phát triển thương hiệu cộng đồng, giải quyết hài hòa mối quan hệ này để đảm bảo giá trị, lợi ích của cộng đồng đối với các thương hiệu được bảo hộ của các chủ thể thương mại trong cộng đồng.

Hai là, hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý và hệ thống các văn bản phục vụ việc quản lý và phát triển nhãn hiện chứng nhận như: quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiện chứng nhận, quy chế kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;

Ba là, tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; gắn quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm mang thương hiệu với quy hoạch nông thôn mới để phát huy hiệu quả lâu dài và bền vững

Bốn là, thành lập các hiệp hội, hội nghề nghiệp, hợp tác xã kiểu mới đủ năng lực để phối hợp cơ quan quản lý nhà nước tổ chức quản lý và phát triển thương hiệu có hiệu quả.

Năm là, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trong đó cần xây dựng các nội dung đào tạo, tập huấn về quản trị và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu.

Sáu là, tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, công bố về nhãn hiệu chứng nhận và lợi ích việc sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm kin doanh, xây dựng thương hiệu cũng như tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông sản đặc thù tỉnh Đồng Tháp.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)